Nhà đầu tư nước ngoài ngại gì nhất?
Nhà đầu tư nước ngoài ngại gì nhất?
Mặc dù biết cơ sở hạ tầng trong nước yếu kém, thiếu lao động tay nghề cao, thị trường nội địa cạnh tranh cao,... nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn chọn Việt Nam. Tuy vậy, nhà đầu tư có thể sẽ ra đi nếu các dự án của họ bị kéo dài quá lâu bởi những ràng buộc về quản lý. |
Nhiều dự án FDI trị giá hàng chục tỷ USD đang xếp hàng vào Việt Nam, nhưng có thể phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật. Dự án sản xuất máy tính xách tay Compal trị giá hàng trăm triệu USD của Tập đoàn Compal Electronics (Đài Loan) đang vướng phải những quy định mang tính kỹ thuật. Điều này có thể hạn chế sự triển khai của dự án này. Cụ thể, Quyết định số 27/2007/QĐ-BKHCN về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn xác định dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao có thể đang gây nhầm lẫn về tiêu chuẩn xác định dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao cho chính dự án này. Theo các tiêu chí của Quyết định số 27 đưa ra, dự án Compal sẽ không thuộc diện công nghệ cao, mặc dù nó đạt 6 trong số 7 tiêu chí. Theo giải trình của nhà đầu tư, họ không thể đáp ứng yêu cầu tổng chi cho nghiên cứu - phát triển được thực hiện tại Việt Nam, chiếm tỷ lệ không dưới 5% tổng doanh thu hàng năm hoặc chi hoạt động nghiên cứu – phát triển thực hiện tại Việt Nam chiếm tỷ lệ không dưới 1% tổng doanh thu hàng năm. Các quan chức của Compal cho rằng, tổng chi cho nghiên cứu phát triển tại Việt Nam chỉ là khoảng 0,25% trong khoảng thời gian 5 năm, và đạt mức hơn 1% sau khoảng 15 năm hoạt động. Như vậy, theo các quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu không chấp nhận Compel là dự án sản xuất máy tích xách tay là sản phẩm công nghệ cao thì thực là khiên cưỡng, nhưng nếu chấp nhận thì có nghĩa là các tiêu chí của Quyết định 27 cần phải được sửa đổi ngay để dự án được nhanh chóng hoàn tất cả thủ tục đầu tư. Việc tháo gỡ vướng mắc theo kiểu này, trên thực tế khá nhiều, lại trông chờ rất lớn vào trách nhiệm của các bộ ngành liên quan và sự chủ động đề xuất từ phía địa phương tiếp nhận dự án. Theo cơ chế phân cấp hiện hành, chính quyền địa phương là cơ quan đầu mối đứng ra tiếp nhận các đề xuất của nhà đầu tư, và phải chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố đi kèm như địa điểm, đất đai, nguồn lao động cũng như các thông tin cần thiết mà nhà đầu tư muốn có. Tính chủ động địa phương sẽ quyết định rất lớn tính khả thi của dự án, nhất là trong trường hợp các dự án có vướng mắc liên quan tới các quy định của các bộ, ngành, nhưng thực tế, nhiều địa phương chưa sẵn lòng đáp ứng các đề nghị này từ phía các nhà đầu tư. Trên thực tế, vài năm nay, nhiều dự án đã có mặt nhưng do hạn chế xuất phát từ quản lý địa phương nên không có nhiều tiến triển tích cực. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đang có khoảng 50 dự án quy mô lớn có tổng số vốn trên 50 tỷ USD được nhà đầu tư bàn thảo và xúc tiến với các địa phương. Trong số đó, có những dự án trị giá rất lớn trên 1 tỷ USD trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ cao, nhà máy điện, lọc hoá dầu, khu dịch vụ cao cấp. Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài cho rằng, nếu không có những giải pháp cụ thể, mang tính đột phá để đưa các dự án này vào hiện thực thì tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài sau năm 2008 sẽ là đáng báo động. Ông Thắng cho rằng, những dự án chậm triển khai mà nguyên nhân là không được đáp ứng yêu cầu kịp thời của nhà đầu tư sẽ tác động tiêu cực tới môi trường kinh doanh của Việt Nam. Một số nhà tư vấn đầu tư nhận định, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu lao động tay nghề cao, thị trường nội địa cạnh tranh cao,... không phải là nguyên nhân làm xấu môi trường đầu tư của Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Những yếu tố này, theo các nhà tư vấn đầu tư, đã được các nhà đầu tư nước ngoài biết đến và họ cũng đang chứng kiến những nỗ lực khắc phục của Việt Nam. Đây là lý do tại sao các nhà đầu tư vẫn chọn Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Thắng, nếu các dự án bị kéo quá dài quá lâu mà phía chính quyền không có chủ trương, giải pháp cụ thể thì các nhà đầu tư sẽ quy đó là lỗi của hệ thống chỉ đạo, điều hành. Về mặt khách quan, theo ông Thắng, những quy định không thống nhất và không phù hợp của các văn bản pháp quy của Việt Nam đang tạo nên những rào cản khó vượt qua cho một số dự án lớn hiện nay. Còn về chủ quan, những vấn đề phát sinh từ bản thân các dự án, như yêu cầu của các nhà đầu tư thường khá phức tạp, vượt khung quy định của pháp luật, ... cũng đang tạo trở ngại cho chính những dự án này. Hiện nay, thu hút đầu tư mới, gồm cả tăng vốn mở rộng sản xuất, được dự báo là khoảng 14,5 tỷ USD cho năm 2008, là mức rất cao kể từ trước đến nay. (Theo VTC) |
Các bài viết khác
- • Doanh nghiệp sợ... khu công nghiệp!
- • ĐOÀN DOANH NGHIỆP HIỆP HỘI BẢN MẠCH IN ĐÀI LOAN ĐẾN THĂM KHU CÔNG NGHỆ CAO HOÀ LẠC
- • ĐOÀN QUỐC HỘI NHẬT BẢN ĐẾN THĂM KHU CÔNG NGHỆ CAO HOÀ LẠC
- • Khu công nghệ cao Hạ Môn
- • Con người – Yếu tố quyết định phát triển KH&CN
- • Khuyến khích nghiên cứu và phát triển khu vực công nghiệp ở Hàn Quốc
- • VN được đánh giá cao trong nhóm 5 nền kinh tế mới nổi
- • Lễ ký kết giữa Khu Công nghệ Cao Hoà lạc và JETRO
- • Phát triển mô hình Khu Công Nghệ Cao: Ba lĩnh vực cần ưu tiên
- • Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc