Con người – Yếu tố quyết định phát triển KH&CN
Con người – Yếu tố quyết định phát triển KH&CN
Vai trò quan trọng của Khoa học và Công nghệ ngày càng được khẳng định rõ nét trong quá trình phát triển đất nước. Phóng viên Báo KH&PT vừa có cuộc trao đổi với ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội.
PV: Hiện nay, trình độ KH&CN nước ta còn khoảng cách khá xa so với khu vực và thế giới. Xin ông cho biết đâu là nguyên nhân chính của thực trạng này?
Gs.TSKH Đặng Vũ Minh: Đây là câu hỏi làm tôi day dứt nhất từ nhiều năm nay, nhất là từ năm 1994 sau khi tôi được bổ nhiệm đứng đầu Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (nay là Viện KH&CN Việt Nam). Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy để xây dựng một nền KH&CN có trình độ cao đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định, không thể nóng vội được. Khoảng thời gian hơn 10 năm qua tuy dài song chắc chưa đủ để nền KH&CN nước ta có thể vượt qua hết những vấn đề tồn tại. Đấy là nguyên nhân khách quan. Còn về nguyên nhân chủ quan, tôi thấy để phát triển KH&CN, trước hết phải giải quyết được 3 việc chính: đầu tư thích đáng, đào tạo cán bộ KH&CN có trình độ cao và cơ chế quản lý phù hợp. Tuy đã có nhiều cố gắng, song vì nhiều nguyên nhân khác nhau, cho đến nay chúng ta vẫn chưa giải quyết tốt những việc này, đặc biệt là việc đầu tư cho KH&CN.
PV: Xây dựng và phát triển năng lực KH&CN đạt trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực là một trong ba mục tiêu mà Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2010 đã đề ra. Liệu mục tiêu này có đạt được không khi thời điểm năm 2010 đã rất gần?
Gs.TSKH Đặng Vũ Minh: Việc phát triển KH&CN đạt trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực không phải là một mục tiêu dễ dàng. Thuở bé khi đi học, tôi nhớ mãi bài toán về hai người đi xe đạp cùng chiều với tốc độ A và B, hỏi sau mấy giờ thì người đi sau đuổi kịp người đi trước. Trong những năm vừa qua, KH&CN ở các nước trong khu vực đều phát triển. Cái gọi là "trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực" cũng trở nên cao hơn, đòi hỏi chúng ta phải có những nỗ lực hết sức to lớn để có thể vượt qua khoảng cách còn lại. Qua tiếp xúc với các cơ quan nghiên cứu KH&CN trong khu vực, tôi nhận thấy cho đến nay, một số viện nghiên cứu và trường đại học của chúng ta có thể tiếp cận trình độ KH&CN tiên tiến trong khu vực. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi tin rằng đến năm 2010 nếu chúng ta sớm rút ra được những bài học kinh nghiệm, đặc biệt trong việc đầu tư cho KH&CN, sẽ có nhiều lĩnh vực KH&CN ở nước ta phát triển đạt trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực.
PV: Quan điểm KH&CN là nền tảng và động lực phát triển đất nước đã được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng. Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để quan điểm này thực sự đi vào cuộc sống?
Gs. TSKH Đặng Vũ Minh: Trong những năm vừa qua, KH&CN ở nước ta đã có những đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đất nước. Việc quyết định những công trình quan trọng cấp quốc gia như Nhà máy thủy điện Sơn La, đường Hồ Chí Minh... dựa trên những cơ sở khoa học do các cơ quan nghiên cứu cung cấp đã chứng tỏ vai trò quan trọng của KH&CN. Để quan điểm này thực sự đi vào cuộc sống, về phía các cơ quan nghiên cứu khoa học, tôi thấy phải đặc biệt quan tâm đến hai việc sau đây:
Thứ nhất, các định hướng nghiên cứu KH&CN phải gắn liền với các nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước. Trong những năm tới, chúng ta sẽ phải đương đầu với nhiều thử thách như biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… Ngay từ bây giờ, các cơ quan nghiên cứu khoa học phải tập trung xây dựng tiềm năng đủ mạnh để có thể giải quyết những vấn đề như vậy.
Thứ hai, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến yếu tố con người trong phát triển KH&CN, vì theo tôi, đây là một trong những yếu tố mang tính chất quyết định; cần đào tạo một thế hệ cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn giỏi, gắn bó với đất nước, với nhân dân. Việc này đòi hỏi sự giáo dục ở cả trong gia đình, trong nhà trường, trong xã hội, đào tạo qua thực tế ở trong nước, ở các trường đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học lớn trên thế giới.
PV: Xin cảm ơn ông!
(Khoa học & Phát triển)
Các bài viết khác
- • Khuyến khích nghiên cứu và phát triển khu vực công nghiệp ở Hàn Quốc
- • VN được đánh giá cao trong nhóm 5 nền kinh tế mới nổi
- • Lễ ký kết giữa Khu Công nghệ Cao Hoà lạc và JETRO
- • Phát triển mô hình Khu Công Nghệ Cao: Ba lĩnh vực cần ưu tiên
- • Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc
- • Việt Nam xây dựng thư viện điện tử về sở hữu trí tuệ
- • Sớm khởi động các dự án theo Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản
- • Lập Ủy ban điều phối Việt - Nhật về ba dự án lớn
- • Thúc đẩy đầu tư của Nhật vào VN
- • VN là điểm đến hấp dẫn nhất châu Á