Doanh nghiệp sợ... khu công nghiệp!
Doanh nghiệp sợ... khu công nghiệp!
Một số nhà đầu tư đến từ nơi khác và cả các doanh nghiệp địa phương đã trả lại đất trước đó đăng ký thuê tại khu Công nghiệp (KCN) An Nghiệp, tỉnh Sóc Trăng, vì cho rằng họ bị ép quá nhiều! |
Bỏ tiền “mua”, lại bỏ thêm tiền thuê Hưởng ứng chủ trương di dời nhà xưởng ra khỏi nội thị, khu dân cư, đồng thời cũng muốn chấp hành tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, nên chủ doanh nghiệp A (không muốn nêu tên) ở thành phố Sóc Trăng đã tiên phong ký hợp đồng ghi nhớ và đăng ký thuê hơn 15,6 héc ta đất tại KCN An Nghiệp. Đến tháng 7-2005, diện tích đất trên được đo đạc và chính thức giao cho doanh nghiệp A. Và điều bất ngờ là sau khi bỏ ra hơn 80 triệu đồng để san lấp mặt bằng thì đến tháng 5-2007, doanh nghiệp này đến Ban Quản lý các KCN Sóc Trăng xin... được trả lại đất đã thuê! “Lúc đăng ký thuê đất, các điều khoản mà Ban Quản lý các KCN đưa ra khá chung chung. Tới khi bắt tay vào xây dựng nhà xưởng, chúng tôi mới được thông báo những quy định cụ thể, trong đó có các điều khoản quá ép doanh nghiệp thì làm sao chấp nhận được!”, chủ doanh nghiệp A bức xúc. Theo ông, trước hết là quy định về khống chế diện tích xây dựng nhà xưởng. Ở nhiều KCN tại các tỉnh khác, khi quy hoạch thì chủ đầu tư luôn dành một phần diện tích và tự xây dựng đường giao thông, trồng cây xanh trước khi cho thuê đất. Còn tại KCN An Nghiệp, dù phải trả tiền thuê cho 100% diện tích nhưng doanh nghiệp chỉ được xây dựng tối đa 80% diện tích, phần còn lại yêu cầu phải tự bỏ tiền thêm trồng cây xanh, làm đường và vẫn phải trả tiền thuê! Nhưng lý do chính khiến chủ doanh nghiệp A bức xúc chính là quy định mà theo đó, không khác gì doanh nghiệp vừa phải bỏ tiền “mua đất”, sau đó bỏ thêm tiền để thuê lại miếng đất mình mua! “Theo quy định, sau tối đa 24 tháng thì chúng tôi phải hoàn lại tiền đền bù giải tỏa cho Ban Quản lý các KCN là 25.020 đồng/mét vuông. Còn tiền thuê đất và tiền sử dụng cơ sở hạ tầng - dù hiện nay vẫn chưa hoàn chỉnh, vẫn phải trả riêng hàng năm”, ông nói. Tính ra, với diện tích đã thuê, doanh nghiệp A phải bỏ ra trước gần 400 triệu đồng “đền bù”. “Khi di dời nhà xưởng, chỉ riêng chi phí đầu tư doanh nghiệp đã lo bở hơi tai, nay lại phải chạy thêm tiền đền bù”, ông than vãn. Vì vậy, dẫu biết rằng trả lại đất, ra khỏi KCN thì mục tiêu phấn đấu đạt các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm (nhằm đưa sản phẩm ra nước ngoài) càng xa vời, nhưng doanh nghiệp A đành chấp nhận. Theo thông tin mà TBKTSG có được, tính đến thời điểm này đã có khoảng hai nhà đầu tư ở Vĩnh Long, hai ở TPHCM đã trả lại đất. Còn tại Sóc Trăng, trước đây có khoảng bảy doanh nghiệp nhỏ và vừa ký hợp đồng ghi nhớ thuê đất, nay tất cả cũng đã... ra đi! Tại cuộc gặp gỡ cùng đại diện UBND tỉnh, các doanh nghiệp cũng bày tỏ thẳng những bất cập khi thuê đất ở KCN An Nghiệp và việc giải quyết chỉ dừng lại ở mức ghi nhận ý kiến! Do ngân sách hạn hẹp? Ông Nguyễn Văn Ngưng, Giám đốc Ban Quản lý các KCN Sóc Trăng, khẳng định chuyện dành tối thiểu 20% diện tích đất thuê để doanh nghiệp tự làm đường và trồng cây xanh là đương nhiên. “Bình thường cũng chẳng doanh nghiệp nào xây dựng hết diện tích đất thuê”, ông nói. Trong khi đó, Quyết định số 02/2007/ QĐ-UBND do UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành ngày 18-1-2007 lại ghi rõ, Công ty Phát triển hạ tầng KCN được giao vốn đầu tư từ ngân sách để xây dựng các công trình hạ tầng, trồng cây xanh... Và ông Ngưng thừa nhận, khi thuê đất doanh nghiệp phải bỏ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng với mức 25.020 đồng/mét vuông (tính theo diện tích được thuê) để hoàn trả ngân sách nhà nước. “Nhưng bù lại, giá cho thuê đất mà chúng tôi áp dụng rất rẻ so với các địa phương khác, do đã tách riêng phần chi phí này”, ông Ngưng khẳng định. Và ông cho biết, thời điểm này thì nhà đầu tư phải nộp ngay chi phí này, nếu khó khăn thì phải làm văn bản... giải trình để UBND tỉnh giải quyết. Hiện nay, giá thuê đất tại KCN An Nghiệp là từ 500-1.000 đồng/mét vuông/năm đối với đất thô, 1.260-1.760 đồng/mét vuông/năm đối với đất đã san lấp mặt bằng, cộng thêm tiền sử dụng hạ tầng 2.800 đồng/mét vuông/năm. Đúng là mức giá này thấp hơn so với các KCN ở Cần Thơ (như KCN Trà Nóc, nhà đầu tư trả tổng cộng khoảng 0,8 đô la Mỹ/mét vuông/năm đối với đất hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng), nhưng nếu so với Cà Mau, Bến Tre thì chẳng thấp hơn là bao. Tại Cà Mau, giá cho thuê thấp nhất áp dụng cho các dự án đầu tư nước ngoài đối với đất thô là 0,024 đô la Mỹ/mét vuông/năm và với các nhà đầu tư trong nước thì giá cho thuê hàng năm chỉ từ 0,5-0,7% so với giá một mét vuông đất theo khung quy định của UBND tỉnh. Còn ở Bến Tre, nhà đầu tư cũng chỉ trả từ 0,25-0,5% so với giá đất theo quy định! Dù rằng theo ông Ngưng, tại KCN An Nghiệp hiện đã có 5/17 doanh nghiệp đăng ký đầu tư đã chính thức đi vào hoạt động và diện tích đất cho thuê đã đạt 77/178 héc ta, nhưng với những quy định bất cập như vậy, khó lòng thu hút thêm doanh nghiệp vào. (Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn) |
Các bài viết khác
- • ĐOÀN DOANH NGHIỆP HIỆP HỘI BẢN MẠCH IN ĐÀI LOAN ĐẾN THĂM KHU CÔNG NGHỆ CAO HOÀ LẠC
- • ĐOÀN QUỐC HỘI NHẬT BẢN ĐẾN THĂM KHU CÔNG NGHỆ CAO HOÀ LẠC
- • Khu công nghệ cao Hạ Môn
- • Con người – Yếu tố quyết định phát triển KH&CN
- • Khuyến khích nghiên cứu và phát triển khu vực công nghiệp ở Hàn Quốc
- • VN được đánh giá cao trong nhóm 5 nền kinh tế mới nổi
- • Lễ ký kết giữa Khu Công nghệ Cao Hoà lạc và JETRO
- • Phát triển mô hình Khu Công Nghệ Cao: Ba lĩnh vực cần ưu tiên
- • Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc
- • Việt Nam xây dựng thư viện điện tử về sở hữu trí tuệ