Khuyến khích nghiên cứu và phát triển khu vực công nghiệp ở Hàn Quốc

23:10 - 02/05/2017

Khuyến khích nghiên cứu và phát triển khu vực công nghiệp ở Hàn Quốc

 

 

 

 

Để khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và phát triển (NC&PT) trong khu vực công nghiệp, chính phủ Hàn Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp, chính sách khác nhau. Các biện pháp, chính sách này thay đổi tuỳ từng thời kỳ và chiến lược phát triển quốc gia. Phần dưới đây minh chứng các biện pháp, chính sách chủ yếu mà chính phủ Hàn Quốc đưa ra nhằm khuyến khích NC&PT khu vực công nghiệp.

Trong những năm 1960 và 1970 các công cụ chính sách chủ yếu là khuyến khích thuế và ưu tiên tài trợ cho các hoạt động NC&PT công nghiệp. Tuy nhiên, những công cụ chính sách này đã không mang lại những kết quả mong đợi. Điều này có thể lý giải là: thứ nhất, khu vực công nghiệp thiếu nhu cầu rõ ràng để họ đầu tư vào NC&PT; thứ hai, khu vực công nghiệp nhận thấy rằng họ dễ dàng tiếp nhận và đồng hoá các công nghệ nước ngoài đang hiện hữu từ nhiều nguồn khác nhau. Những năm đầu 1980 vốn vay ưu đãi trở thành phương tiện quan trọng nhất để cấp tiền cho các hoạt động NC&PT khu vực công nghiệp. Tính riêng năm 1987, tài chính dưới hình thức vốn vay ước tính khoảng 64% tổng chi tiêu vào NC&PT quốc gia. Một số công cụ khuyến khích khác nhằm thúc đẩy đầu tư vào NC&PT từ khu vực công nghiệp như: giảm thuế khi nhập các thiết bị phục vụ hoạt động NC&PT, chi tiêu vào NC&PT và phát triển nguồn nhân lực được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế, miễn thuế đối với những tài sản cố định liên quan đến NC&PT, Quỹ Dự trữ Phát triển Công nghệ (một doanh nghiệp có thể để lại 3% doanh thu hoặc thậm chí 4% nếu là doanh nghiệp công nghệ cao, trong bất kỳ năm nào để tiến hành NC&PT trong 3 năm tiếp theo).

Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc còn đưa ra một số chương trình gián tiếp cho các hoạt động NC&PT công nghiệp như Chương trình Sản phẩm Hàn trình độ quốc tế (cuối những năm 1980). Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng một danh mục 21 sản phẩm liên quan đến 59 nhà sản xuất trong các ngành công nghiệp để đưa ra các biện pháp hỗ trợ. Chương trình Thương mại hoá Công nghệ mới (1993) đưa ra những hoạt động tài chính ưu đãi liên quan đến NC&PT và thương mại hoá các công nghệ mới của địa phương.

Theo Luật Thúc đẩy Phát triển Công nghệ Công nghiệp và một số luật khác, các doanh nghiệp tư nhân sẽ được giảm thuế trong vòng 3 năm (mức tối đa là 5% của tổng doanh thu) nếu doanh nghiệp trích khoản tiền thành lập quỹ cho phát triển công nghệ, thông tin kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực và thiết bị phục vụ NC&PT. Đồng thời các doanh nghiệp sẽ được giảm thuế đến 15% tổng chi phí sử dụng cho đào tạo cán bộ kỹ thuật. Bên cạnh đó, khi tính thuế các doanh nghiệp này được giảm đến 10% khoản kinh phí đầu tư vào trang thiết bị phục vụ NC&PT và khấu hao nhanh đối với thiết bị nghiên cứu và thử nghiệm ở tỉ lệ 90% một năm.

Ngoài các khuyến khích thuế, chính phủ Hàn Quốc cũng đưa ra những hỗ trợ tài chính như có thể hỗ trợ đến 50% tổng chi phí cho NC&PT khi viện NC&PT công nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án NC&PT quốc gia về phát triển công nghệ nền, phát triển công nghệ công nghiệp, phát triển nguồn năng lượng mới, v.v… Bên cạnh đó, chính phủ cũng hỗ trợ tài chính 80-90% tổng chi phí của cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ, giúp họ thương mại hoá các công nghệ mới. Các doanh nghiệp nhỏ nếu không có khả năng thành lập các trung tâm NC&PT của mình thì được khuyến khích thành lập liên hiệp nghiên cứu với các doanh nghiệp khác. Chính từ những biện pháp khuyến khích này mà số lượng các viện và hiệp hội nghiên cứu tăng lên rất nhanh đặc biệt trong những năm 1980-1990.

Chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N) (tháng 9/1999) do Văn phòng Sở hữu Công nghiệp Hàn Quốc (KIPO) khởi xướng với mục tiêu khuyến khích tất cả các DNV&N phát minh ra công nghệ mới và sử dụng như một tài sản kinh doanh nòng cốt của doanh nghiệp (làm thế nào để các DNV&N với trên 5 lao động có ít nhất 01 sáng chế hoặc giải pháp hữu ích). Để giành được mục tiêu này, chiến dịch đã thực hiện các bước: Tăng cường nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ; liên kết các hoạt động NC&PT với việc tạo ra sở hữu trí tuệ; cải tiến những điều kiện thuận lợi về các thủ tục sáng chế; hỗ trợ việc sử dụng, giao dịch các công nghệ đã được cấp sáng chế.

Để trợ giúp tài chính cho thương mại hoá các công nghệ mới, chính phủ Hàn Quốc khuyến khích sự phát triển vốn mạo hiểm tư nhân bằng việc khởi xưởng vốn này thông qua quỹ của chính phủ - MOST Fund I (1998), MOST Fund II (1999), Câu lạc bộ đầu tư công nghệ thông tin (do Bộ thông tin và truyền thông đưa ra năm 1999). Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy thị trường vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mới, doanh nghiệp khoa học và công nghệ: phát triển KOSDAQ (một thị trường chứng khoán thứ cấp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mới, doanh nghiệp khoa học và công nghệ).

(Khoa học & Phát triển)

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266