Phát triển mô hình Khu Công Nghệ Cao: Ba lĩnh vực cần ưu tiên
Phát triển mô hình Khu Công Nghệ Cao: Ba lĩnh vực cần ưu tiên
Trong mười năm qua, các khu công nghệ cao, các khu phần mềm đã bắt đầu được hình thành và phát triển ở Việt nam với mục tiêu chiến lược được xác định là tạo ra năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ. Đây là hướng đi tắt đón đầu vào kỷ nguyên công nghệ hiện đại, là mô hình tổ chức của nền kinh tế tri thức phù hợp với các nước đang phát triển.
Công nghệ cao là công nghệ vượt lên mức cao nhất của công nghệ hiện có nhờ đưa vào các kết quả nghiên cứu khoa học tiên tiến. Sản phẩm công nghệ cao là sản phẩm được tạo ra nhờ áp dụng công nghệ cao thông qua quá trình thiết kế hoặc sản xuất sản phẩm. Đây là những sản phẩm luôn được đổi mới, cấu trúc khá phức tạp, sử dụng ít năng lượng và ít tài nguyên.
Về mặt cơ sở pháp lý, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống văn bản tương đối hoàn chỉnh cho việc phát triển lĩnh vực này. Luật Khoa học & Công nghệ, Luật Tiêu chuẩn, Luật sở hữu trí tuệ, Luật chuyển giao công nghệ đều đã và đang từng bước triển khai vào cuộc sống. Công tác đầu tư cho khoa học và công nghệ ngày càng tăng, từ 1% GDP năm 2005, dự kiến sẽ đạt 1,5%GDP năm 2010.
Tuy nhiên, môi trường phát triển công nghệ cao ở Việt Nam còn đang trong quá trình hình thành nên vẫn thua kém ngay một số nước trong khu vực, chỉ đứng ở vị trí trên Lào, Camphuchia và Mianma. Việt nam hiện chưa có chiến lược, qui hoạch tổng thể để ứng dụng những lĩnh vực then chốt, tạo sự đột phá trong phát triển công nghệ cao.
Trên địa bàn cả nước hiện đã có hai khu Công nghệ cao và 8 khu phần mềm được thành lập. Tại hai khu Công nghệ cao quốc gia Láng Hoà Lạc và Thành phố Hồ Chí Minh, số dự án đầu tư còn ở mức độ khiêm tốn, chủ yếu thuộc các ngành bán dẫn, tin học, viễn thông, sinh học và cơ khí, tự động hoá.
Sự gắn kết giữa đào tạo - nghiên cứu - sản xuất chưa thực sự hiệu quả, các kết quả nghiên cứu chậm được đưa vào ứng dụng và thương mại hoá, trang thiết bị cho nghiên cứu và đào tạo cũng còn khá lạc hậu.
Để Công nghệ cao thực sự đem lại những ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội, bên cạnh việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và nguồn nhân lực công nghệ cao một cách đồng bộ, trong thời gian tới cần tập trung đầu tư phát triển ba lĩnh vực then chốt chính.
Về lĩnh vực Công nghệ sinh học, việc ứng dụng công nghệ sinh học vào những mặt hàng đang có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như lúa, gạo, cà phê, hạt điều, thanh long, thuỷ hải sản… phải được chú trọng đẩy mạnh. Dư lượng thuốc kháng sinh và các loại vacxin trong sản phẩm phải được kiểm soát, không ảnh hưởng đến sức khoẻ của người và động vật; tạo ra được những chế phẩm sinh học bảo về cây trồng, vật nuôi ở qui mô vừa và nhỏ. Công nghệ sinh học phải hỗ trợ cho việc chế biến phục vụ sản xuất hàng hoá tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, bảo đảm đầy đủ các chế phẩm y tế dự phòng như vacxin, thuốc kháng sinh, sinh phẩm chẩn đoán, đảm bảo kiểm soát an toàn về sinh thực phẩm. Bên cạnh đó là việc thành lập cơ sở dữ liệu về gene quốc gia và mạng liên kết hợp tác xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu này.
Về công nghệ tự động hoá, cần đưa nhanh những ứng dụng công nghệ thiết kế và chế tạo với sự trợ giúp của máy tính trong ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ tự động hoá tích hợp toàn diện cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Phổ cập công nghệ điều khiển số bằng máy tính CNC trong các lĩnh vực máy móc cho các hệ thống gia công chế tạo, máy công cụ phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Ứng dụng rộng rãi công nghệ tự động hoá đo lường và xử lý thông tin phục vụ các ngành sản xuất, dự báo thời tiết và thiên tai, bảo vệ môi trường. Sử dụng robot trong những công đoạn sản xuất không an toàn cho con người, trong môi trường độc hại hay một số dây chuyền công nghiệp, quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh ứng dụng tự động hoá trong công nghiệp đóng tràu, lắp ráp ô tô, chế tạo máy chính xác và thiết bị cho năng lượng gió.
Về công nghệ vật liệu, nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả một số vật liệu có khă năng chế tạo trong nước. Đó là một số loại thép hợp kim chất lượng cao, các hợp kim có tính năng tổng hợp và hợp kim nhôm, vật liệu composit sử dụng nền kim loại sử dụng trong kỹ thuật điện, điện tử và y - sinh; vật liệu polime và composit trong các ngành giao thông vận tải, nông nghiệp, thuỷ sản và quốc phòng; vật liệu polime composit sử dụng cho kỹ thuật điện và điện tử trong điều kiện môi trương khắc nghiệt; vật liệu dùng trong y học để thay thế một số bộ phận trong cơ thể người và điều tiết sinh lý, điều tiết tăng trưởng…
Ba lĩnh vực trên rất cần được đầu tư nghiên cứu và ứng dụng tích cực nhằm nâng cao chất lượng công nghệ cao của nước ta, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển.
(Khoa học và Phát triển)
Các bài viết khác
- • Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc
- • Việt Nam xây dựng thư viện điện tử về sở hữu trí tuệ
- • Sớm khởi động các dự án theo Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản
- • Lập Ủy ban điều phối Việt - Nhật về ba dự án lớn
- • Thúc đẩy đầu tư của Nhật vào VN
- • VN là điểm đến hấp dẫn nhất châu Á
- • Nhật Bản sẽ sớm hỗ trợ vốn vay cho 3 dự án lớn
- • FPT lập ngân hàng
- • 30 Học bổng toàn phần của Quỹ Ford
- • Thủ tướng Chính phủ: Chuyến thăm Nhật đạt kết quả cao