Phải đẩy mạnh khai thác giá trị của tài sản trí tuệ
Trao đổi với VnExpress.net, Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ Trần Việt Hùng cho rằng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh khai thác giá trị của tài sản vô hình là tài sản trí tuệ. Hiện, giá trị tài sản trí tuệ chỉ chiếm 10 -15% tổng giá trị của nhiều doanh nghiệp.
- Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, trong đó có các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Những cơ sở pháp lý này sẽ tạo những thay đổi gì với công tác sở hữu trí tuệ?
- Việc bổ sung, sửa đổi này đáp ứng những chuẩn mực quốc tế cũng như những cam kết khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO, đồng thời, tạo thuận lợi cho thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, các sáng chế mật liên quan đến quân sự, an ninh kinh tế... cũng sẽ được bảo hộ. Thời gian cấp bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa cũng sẽ được giãn ra nhằm tránh tình trạng cấp trong thời gian quá gấp rồi sau đó lại phải thu hồi vì chưa thẩm định kỹ...
Trước đây, những trường hợp vi phạm sở hữu trí tuệ bị phát hiện sẽ bị phạt hành chính gấp 5 lần giá trị sản phẩm vi phạm. Mức phạt này tưởng là lớn, nhưng khi thực hiện nhiều lúc lại rất thấp và rất khó thực thi, nhiều lúc tỏ ra không hợp lý. Quy định mới sẽ nâng mức phạt hành chính này lên tối đa 500 triệu đồng, và vi phạm có "quy mô thương mại" sẽ bị xử lý theo luật hình sự.
- Ở nước ta, tình trạng vi phạm này đang ở mức nào và khó khăn trong xử lý vi phạm ra sao?
- Ở Việt Nam, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn phức tạp và gia tăng, mức độ, hành vi vi phạm ngày càng tinh vi. Một trong những vi phạm lớn nhất liên quan đến phần mềm máy tính. Năm 2005, Việt Nam là một trong 2 nước (đứng sau Trung Quốc) vi phạm bản quyền phần mềm nhiều nhất thế giới. Nhưng năm 2008, chúng ta đã giảm tỷ lệ vi phạm xuống còn 84% và ra khỏi top 10 nước vi phạm nhiều nhất. Đây có lẽ là điểm sáng trong cuộc chiến chống vi phạm sở hữu trí tuệ ở nước ta.
Vi phạm nhãn hiệu, kiểu dáng (xe máy) cũng xảy ra nhiều nhất, còn vi phạm sáng chế chưa nhiều. Cũng có nhiều các vi phạm nhãn hiệu trong nông nghiệp như bán giống cây trồng giả, phân bón giả
Khó khăn trong xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ hiện có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, năng lực của cơ quan thực thi còn hạn chế, thiếu cán bộ làm giám định vi phạm sở hữu trí tuệ. Thứ hai, sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi như tòa án, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, thanh tra khoa học, hải quan... còn lỏng lẻo, thiếu thống nhất. Thứ 3 là hiểu biết của doanh nghiệp và người tiêu dùng về sở hữu trí tuệ chưa cao, nhiều sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ chưa được doanh nghiệp, cá nhân đăng ký để xác lập quyền
Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Cục Sở hữu trí tuệ không thực hiện hoạt động giám định sở hữu trí tuệ nữa, như vậy, theo Cục trưởng công tác này có những khó khăn, vướng mắc cũng như thuận lợi gì?
- Từ năm 2006 trở về trước, khi giải quyết những tranh chấp liên quan đến sở hữu công nghiệp, các cơ quan chức năng thường phải gửi công văn hỏi ý kiến Cục Sở hữu trí tuệ và căn cứ vào trả lời của Cục, quản lý thị trường, công an, hải quan... mới ra quyết định giải quyết tranh chấp. Nhiều ý kiến cho rằng điều này đặt Cục Sở hữu trí tuệ vào tình thế "vừa đá bóng, vừa thổi còi", vừa cấp đăng ký bảo hộ cũng vừa giám định.
Tháng 10/2006, theo quy định mới công tác giám định sở hữu công nghiệp xử lý còn do Cục thực hiện và khuyến khích các cơ quan thi hành cấp cơ sở giám định. Nhưng do các cơ quan này không đủ nghiệp vụ, năng lực giám định nên vẫn có công văn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp ý kiến chuyên môn. Trong trường hợp này, chúng tôi không thực hiện giám định nhưng có các ý kiến chuyên môn để các cơ quan thực thi tham khảo đánh giá làm căn cứ xử lý vi phạm.
Ngày 15/7 vừa qua, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) bắt đầu tiếp nhận và giải quyết các đơn yêu cầu, trưng cầu giám định về sở hữu công nghiệp. Đây là tổ chức đầu tiên có đủ điều kiện giám định về sở hữu công nghiệp ở nước ta trong thời gian tới sẽ hình thành các tổ chức giám định khác.
- Cục Sở hữu trí tuệ và Bộ KH&CN vừa sơ kết 3 năm triển khai chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (chương trình 68). Định hướng của chương trình này sắp tới như thế nào?
- Xã hội ngày càng phát triển nhưng tài nguyên hữu hình của chúng ta đang ngày càng cạn kiệt, do đó phải đẩy mạnh khai thác giá trị của tài sản vô hình là tài sản trí tuệ. Hiện nay, giá trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp so với các nước. Ở nhiều doanh nghiệp, tài sản này chỉ chiếm 10-15% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp như theo một số thống kê gần đây.
Trước thách thức này, năm 2005, Bộ KH&CN chủ trì xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (Chương trình 68) với mục đích nâng cao nhận thức và khả năng cạnh tranh cũng như tài sản trí tuệ của doanh nghiệp về bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Sau 3 năm, đã có 29 đặc sản nổi tiếng của hầu hết địa phương được hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ như xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho bưởi Đoan Hùng, cà phê Buôn Ma Thuột, cói Nga Sơn, vải thiều Lục Ngạn, Thanh Long Bình Thuận, hồi Lạng Sơn…
Để định hướng phát triển Chương trình 68 giai đoạn 2011 - 2015, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục triển khai chương trình với quy mô toàn diện và tổ chức nhân rộng, xây dựng và đưa vào hoạt động các trung tâm hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ... Đồng thời, hoàn thiện cơ chế tài chính cũng như cơ chế quản lý...
Nguồn: VnExpress.net
Các bài viết khác
- • Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội sẽ có cơ chế Tài chính đặc thù.
- • Quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức quản lý của Ban quản lý khu CNC Hoà Lạc-Bộ Khoa học và Công nghệ
- • Sẽ hình thành quỹ đầu tư để phát triển công nghệ cao
- • Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Cần đột phá trong khoa học công nghệ
- • Trung Quốc với những kinh nghiệm ươm tạo doanh nghiệp (Tiếp theo và hết)
- • Trung Quốc với những kinh nghiệm ươm tạo doanh nghiệp (Phần 1)
- • JICA tiếp tục triển khai giai đoạn đánh giá dự án Khu CNC Hoà Lạc
- • Triển vọng hợp tác Khoa học mới giữa Việt Nam và CHLB Đức
- • “Cái khó nhất đã qua rồi...”
- • Sắp trình Chính phủ đề án mới về Khu CNC Hoà Lạc