Trung Quốc với những kinh nghiệm ươm tạo doanh nghiệp (Phần 1)

23:10 - 02/05/2017

Sự thành công của các doanh nghiệp trên thương trường luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế quốc gia. Những doanh nghiệp khi mới khởi sự thường gặp không ít những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Một trong những biện pháp quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp này tháo gỡ những khó khăn là tìm đến các hãng ươm tạo doanh nghiệp, nơi tạo ra thị trường, công nghệ, vốn cho những doanh nghiệp “chập chững” bước vào thị trường. Kinh nghiệm của nhiều nước, đặc biệt là ở Trung Quốc, cho thấy các hoạt động ươm tạo có vai trò quyết định giúp các doanh nghiệp mới khởi sự có thể tự tồn tại và phát triển ở môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Các hãng ươm tạo doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang phát triển nhanh chóng, đóng góp một phần đáng kể cho sự nghiệp phát triển công nghiệp nước này, cũng như trong quá trình “vươn ra toàn cầu” của các doanh nghiệp Trung Quốc. Hãng ươm doanh nghiệp đầu tiên với tên gọi là Wuhan được thành lập năm 1997. Đến năm 1999, Trung Quốc đã có hơn 110 hãng ươm tạo doanh nghiệp, nhưng trên thực tế con số này còn lớn hơn nhiều. Ban đầu các hãng này do Hội đồng khoa học công nghệ tại các địa phương thành lập, nhưng sau đó phát triển thành một tổ chức được chính phủ quan tâm đặc biệt. Mục tiêu của hoạt động là thương mại hoá các sáng chế công nghệ, tạo đà tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực công nghệ cao. Thông qua việc ươm tạo doanh nghiệp đã hình thành nền sản xuất thương mại, chuyên môn hóa cao hơn ở các lĩnh vực công nghiệp, đa dạng các hướng lựa chọn đầu tư. Trung Quốc còn cho xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao (Hi-tech Industrial Development Zones) để thu hút các hãng ươm tạo doanh nghiệp vào hoạt động. Theo dự đoán, các hãng ươm tạo doanh nghiệp tại Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn phát triển đa dạng hoá và đi theo 5 hướng sau:

1.Hoạt động ươm tạo

Ngày càng có nhiều nguồn vốn chuyển sang đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đây là thị trường được chú ý khuyến khích phát triển. Khuyến khích thị trường bao hàm cả việc sử dụng nguồn vốn và nguồn nhân lực để biến các kết quả nghiên cứu mới thành các sản phẩm. Việc đầu tư vốn cho ươm tạo đã làm làm thay đổi phương thức hoạt động của các các tổ chức ươm tạo công nghệ, làm cho các tổ chức này hoạt động như các doanh nghiệp.

Cơ cấu thu nhập giữa các loại hãng ươm tạo doanh nghiệp có sự khác nhau lớn. Một số hãng hoạt động theo phương thức phi lợi nhuận truyền thống, trong khi một số hãng khác hoạt động như một doanh nghiệp. Các hãng ươm tạo doanh nghiệp phải đóng góp một phần thu nhập thu được từ đầu tư cho các thành viên đóng góp cổ phần. Các khách hàng của hãng ươm tạo doanh nghiệp truyền thống có quyền tự do lựa chọn những dự án được đầu tư nhiều và dễ hoàn thành. Trong một số trường hợp đặc biệt, các doanh nghiệp này giống như các chủ tư bản đầu tư tài chính. Các hãng ươm tạo doanh nghiệp tuy không có chất lượng và điều kiện nghiên cứu khoa học tốt như các hãng ươm tạo truyền thống nhưng lại có bí quyết thu hút khách hàng và có khả năng cạnh tranh cao.

Nền kinh tế kiểu mới đã tạo điều kiện hình thành nhiều hãng ươm tạo doanh nghiệp, chỉ trong hai năm gần đây ở Trung Quốc đã có khoảng 30 - 40 hãng ươm tạo doanh nghiệp được thành lập.

2.Chuyên môn hoá

Hầu hết các hãng ươm tạo doanh nghiệp truyền thống của Trung Quốc đều có chuyên môn tốt và thực tế đã chứng minh trong các lĩnh vực lớn đều có sự hỗ trợ của các hãng này. Tuy nhiên để những thành tựu ươm tạo có hiệu quả sâu rộng hơn, các hãng phải chuyên môn hoá cao hơn mà điều này lại nằm ngoài khả năng của họ. Các thành phần kinh tế khác, ví dụ như những công ty phần mềm, khi tiến hành tạo dựng một phần mềm kiểm tra, phải tiếp cận với các công cụ phần mềm và khảo sát thị trường. Nhưng việc tiếp cận và khảo sát rất khó thực hiện đối với với các công ty thuộc loại hãng ươm tạo doanh nghiệp truyền thống.

Chuyên môn hoá các hãng ươm tạo doanh nghiệp mang đặc tính riêng, vì kéo theo nó là một loạt các dịch vụ đặc biệt, phục vụ cho việc chuyên môn hoá. Hãng ươm tạo doanh nghiệp Bắc Kinh Biomedical thành lập năm 1997 tại Trường Đại học y Bắc Kinh là một ví dụ về sự chuyên môn hoá. Các kỹ sư thuộc hãng này đã tiến hành nghiên cứu các chức năng mới của gen, phát triển và chuyển giao công nghệ sinh học, nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật. Tại trụ sở của mình trên một khu đất rộng 400 m2 người ta đã thực hiện quá trình nghiên cứu lên men và nuôi cấy tế bào từ những bước thí nghiệm trong phòng thí nghiệm cho đến khi đưa ra thử nghiệm trước khi áp dụng thực tế. Hãng ươm tạo doanh nghiệp này đã hỗ trợ cho các công ty trực tiếp trồng trọt về kỹ thuật, tư vấn sử dụng những loại thuốc mới, áp dụng chuẩn GMP quản lý các công ty sản xuất dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý tài chính và các khía cạnh khác trong lĩnh vực ươm tạo này.

Một đặc điểm khác của chuyên môn hoá là sự kết hợp giữa các hãng ươm tạo doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác, tạo ra một môi trường tốt để công ty được ươm tạo phát triển nhanh chóng và tăng hiệu quả kinh tế. Đơn cử là công ty Xi’an Innovation Internet IB (I-incubator.com.cn) chính là sự kết hợp giữa một hãng ươm tạo doanh nghiệp với công ty Internet. Sự liên kết giữa các công ty này đã tạo ra những giao diện chung giữa hai lĩnh vực kỹ thuật và thương mại để khuyến khích các công ty tin học kết hợp với nhau thành một tổ chức. Ngay sau những nỗ lực cộng tác với nhau, các công ty có chuyên môn về kỹ thuật đã cung cấp phần mềm, hỗ trợ kỹ thuật miễn phí trợ giúp các công ty cung cấp nội dung thông tin (ICP), đồng thời còn là một cơ hội để kiểm tra phần mềm và dịch vụ của họ trước khi tiến hành thương mại hoá, trong khi các công ty khác tìm kiếm cơ hội mua bán, thoả thuận về sản phẩm, dịch vụ và thông tin khảo sát thị trường.

Với hướng đi trong ươm tạo rõ ràng như vậy, sẽ không có gì là ngạc nhiên khi thấy một hãng ươm tạo doanh nghiệp được chuyên môn hoá thu được lợi nhuận cao hơn so với hãng ươm tạo doanh nghiệp truyền thống. Do đó, nhiều hãng ươm tạo doanh nghiệp chuyên môn hoá là các công ty ươm tạo doanh nghiệp tài chính với nguồn lợi thu được lớn hơn so với các hãng ươm tạo khác.

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266