Cắm mốc đất cho dự án xây dựng Trung tâm điều khiển vệ tinh VNREDSat1

23:10 - 02/05/2017

Sáng 19/05/2009, Ban quản lý Khu CNC Hoà Lạc đã tổ chức cắm mốc đất cho dự án xây dựng Trung tâm điều khiển vệ tinh nhỏ giám sát tài nguyên, thiên nhiên, môi trường và thiên tai (VNREDSat1) cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Khu Nghiên cứu và Triển khai với diện tích 2ha.

(Mô hình vệ tinh được triển lãm tại Diễn đàn các cơ quan vũ trụ khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 15)

Dự án VNREDSat1 thuộc lĩnh vực công nghệ cao, là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ghi trong Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ của Việt Nam đến năm 2020. Các nội dung chính của Dự án bao gồm: thiết kế, chế tạo và phóng vệ tinh VNREDSat1, xây dựng trung tâm điều khiển vệ tinh, nâng cấp trạm thu ảnh vệ tinh, đào tạo - chuyển giao công nghệ vệ tinh và vũ trụ….. Kinh phí thực hiện Dự án dự kiến trên 1000 tỷ đồng.

Nhiệm vụ của trung tâm điều khiển vệ tinh bao gồm:

  • Phát lên vệ tinh các lệnh phù hợp với kế hoạch chụp ảnh.
  • Phát lên các lệnh điều khiển vệ tinh trên quỹ đạo.
  • Giám sát trạng thái vệ tinh thông qua quá trình tự động thu nhận các số liệu đo xa.

VNREDSat-1 sẽ giúp dự báo thiên tai tốt hơn

Sau khi vệ tinh VINASAT-1 được phóng lên không trung tháng 4/2008, đến năm 2012, theo tiến độ, vệ tinh thứ hai của VN mang tên VNREDSat-1 sẽ được đưa vào không trung. Đây là loại vệ tinh khoa học cỡ nhỏ bay ở quỹ đạo thấp, dùng để giám sát, chụp ảnh mặt đất, cung cấp ảnh về cho các trung tâm thu ảnh vệ tinh mặt đất.

VNREDSat-1 có trọng lượng 150 kg, hoạt động trên quỹ đạo 5 năm, được trang bị các bộ cảm biến quang học, các ống kính chụp ảnh với độ phân giải cỡ 2 m, quang phổ quan trắc 10-15 m... có thể chụp ảnh với nhiều kích cỡ khác nhau, ảnh quang học, ảnh radar (chụp bằng sóng radar).

VNDREDSat-1 sẽ cung cấp ảnh vệ tinh có độ phân giải tương đối cao về tài nguyên, môi trường và đặc biệt là chụp ảnh về thiên tai… giúp Việt Nam chủ động phòng chống với thiên tai tốt hơn không phải phụ thuộc vào ảnh vệ tinh mua của nước ngoài.

"Khi chúng ta có vệ tinh do chính VN bắn lên trong quỹ đạo, chúng ta sẽ có thể sử dụng ảnh của chính chúng ta, chụp ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào chúng ta muốn" - GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn lạc quan.

Kinh phí cho dự án phóng vệ tinh nhỏ VNREDSat-1 gồm chế tạo vệ tinh , kinh phí đào tạo, phóng, bảo hiểm phóng, xây dựng trạm mặt đất điều khiển vệ tinh, kinh phí xây dựng trạm thu ảnh... có thể ước tính khoảng 60-70 triệu USD. Hiện Việt Nam đang lựa chọn đối tác đầu tư vừa bảo đảm về kỹ thuật, công nghệ và có khả năng cung cấp vốn ODA cho dự án.

Tiến tới nắm bát làm chủ công nghệ vũ trụ

Dự án VNREDSat-1 đã được khởi động từ 5 năm trước, trước đó VN đã hợp tác với Trung tâm vũ trụ của Anh để thử tìm kiếm khả năng VN tham gia vào chùm vệ tinh nhỏ quan sát trái đất. Nếu phóng thành công VNREDSat-1, VN sẽ chính thức có vệ tinh quan sát trái đất. "Cũng theo kế hoạch đến 2020 Việt Nam có thể sẽ có 3 vệ tinh: 1 về quang học, 1 radar. Đặc biệt vệ tinh thứ 3 VN có thể tham gia tích cực, chủ động trong việc chế tạo" - GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn cho biết.

Tuy nhiên những dự án VINASAT-1, hay VNREDSat-1 vẫn là những dự án gần như mua lại của nước ngoài, ko phải mua thương mại mà qua đào tạo và tiếp nhận công nghệ chế tạo: Mua vệ tinh, đào tạo, phóng vệ tinh, sử dụng vệ tinh thu ảnh và sử dụng ảnh… "Chiến lược lâu dài của hoa học vũ trụ VN vẫn là tiến tới làm chủ công nghệ chế tạo, dù cần những bước đi rất lâu dài và cụ thể, cũng như sự đầu tư rất lớn" - GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn khẳng định.

Hiện nay, Viện KHCN cũng đã hợp tác với các nước như Hàn Quốc để gửi cán bộ VN sang học chế tạo vệ tinh. Thông qua dự án làm cùng với nước bạn, các nhà khoa học, kỹ sư của chúng ta có thể từng bước tiếp cận công nghệ chế tạo, nắm bắt để sau này VN có thể chế tạo được vệ tinh.

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266