Trường ĐH KHCN Hà Nội sẽ xây dựng trong khuôn viên 65 ha Khu Công nghệ cao Hoà Lạc
Sáng 30/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN), Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Viện KHCN Việt Nam và một số Bộ, ngành liên quan về tiến độ xây dựng trường Đại học KHCN Hà Nội.
(Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp - Ảnh Chinhphu.vn)
Theo đề án, Đại học KHCN Hà Nội sẽ là một trong bốn trường đại học được Chính phủ đầu tư thành lập mới, với sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài. Mục tiêu đến năm 2020, trường được xếp hạng trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu thế giới.
Các ý kiến của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ KHCN và Bộ Giáo dục và Đào tạo đều cho rằng đề án Đại học KHCN Hà Nội sẽ góp phần tích cực vào quá trình cải cách hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam nhờ chất lượng cao trong đào tạo và sự đổi mới trong phương thức quản lý và điều hành. Trường được xây dựng theo mô hình mẫu kết hợp giữa đào tạo ĐH với ĐH nghiên cứu, có khả năng giải quyết những vấn đề lý thuyết và thực tế, góp phần đổi mới hệ thống giáo dục quốc gia.
Theo đề án, Trường Đại học KHCN Hà Nội sẽ được thành lập trong năm 2009, với việc hình thành bộ máy tổ chức, tuyển sinh và đào tạo. Đến 2012, hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, mở được ít nhất 3 khoa đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Đến 2016, hoàn thiện trang bị cơ sở vật chất, thành lập các trung tâm nghiên cứu; mở thêm ít nhất 5-7 khoa đào tạo mới, thu hút sinh viên quốc tế đến học, có các công trình khoa học đăng trên tạp chí quốc tế.
Trường hoạt động giảng dạy theo tiêu chuẩn trường đại học tiên tiến trên thế giới và phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam; ngôn ngữ giảng dạy chính là tiếng Anh. Viện KHCN Việt Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội hỗ trợ về nhân sự và cơ sở thực hành, thí nghiệm; đối tác nước ngoài cung cấp chương trình đào tạo, giảng viên và cán bộ quản lý. Hiệu trưởng và một số vị trí lãnh đạo chủ chốt trong 8 – 10 năm đầu có thể do các GS của phía đối tác đảm nhận, phía Việt Nam tham gia quản lý và giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng trường.
Cho ý kiến chỉ đạo đối với đề án này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gợi ý, cần huy động nguồn cán bộ cấp cao, cán bộ của Viện KHCN Việt Nam để kiêm nhiệm hoặc biệt phái công tác tại trường Đại học KHCN Hà Nội. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án, bảo đảm chất lượng, cần thành lập ngay Ban quản lý để điều hành và xây dựng quy chế cho Đại học KHCN Hà Nội hoạt động trong năm đầu. Ban Quản lý có thể thay mặt Chính phủ thỏa thuận các hợp tác với đối tác Pháp để thực hiện hiệu quả đề án.
Nguồn: Chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • Hội đàm giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc
- • Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hơn hẳn các Khu Công nghệ cao của Trung Quốc ở một điểm là có quy hoạch rất bài bản
- • Nhật Bản viện trợ Việt Nam trên 83 tỷ yên sau quyết định nối lại ODA
- • Vietnam A Destination for Japanese investors
- • Investment challenges and opportunities in 2009
- • Thách thức và cơ hội đầu tư năm 2009
- • Việt Nam điểm đến của các Nhà đầu tư Nhật Bản.
- • Không để tình trạng thiếu điện xảy ra là ưu tiên số 1 của ngành năng lượng thiết yếu
- • Japan resumes ODA for Việt Nam
- • Nhật nối lại ODA cho Việt Nam