Không để tình trạng thiếu điện xảy ra là ưu tiên số 1 của ngành năng lượng thiết yếu

23:10 - 02/05/2017

Bằng mọi biện pháp, dứt khoát không để tình trạng thiếu điện, đặc biệt là nguồn điện trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ ưu tiên số 1 đối với ngành năng lượng thiết yếu này trong buổi làm việc đầu tuần qua giữa Thường trực Chính phủ với Tập đoàn Điện lực (EVN).

Nhiệm vụ mà người đứng đầu Chính phủ quán triệt cho ngành điện mang ý nghĩa chính trị - kinh tế- xã hội hết sức sâu sắc, và đây cũng chính là hướng phát triển tất yếu của lĩnh vực hạ tầng vốn đang trong đứng trước nhiều cơ hội phát triển, song cũng không ít khó khăn, thách thức cần quyết tâm khắc phục và giải quyết.


(Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp chỉ đạo tại công trình thủy điện Sơn La trong tháng 1/2009 - Ảnh Chinhphu.vn)

Khả năng thiếu điện có thể xảy ra nếu không tăng trưởng điện tối thiểu 15%/năm

Trước mắt ngay trong 2 năm 2009-2010 này, công suất nguồn điện tăng thêm sẽ tiếp tục phải được duy trì ở mức cao. Riêng năm 2009, sản lượng điện thương phẩm khoảng 74,68 tỷ kWh, tăng hơn 11% so với 2008. Nhiệm vụ này đòi hỏi khối lượng đầu tư và góp vốn đầu tư của EVN lên hơn 50.000 tỷ đồng, đảm bảo đưa vào vận hành 9 công trình nguồn điện với tổng công suất 2.696 MW, đồng thời phấn đấu khởi công 4 dự án nhiệt điện tổng công suất 3.800 MW, 185 công trình điện áp 110, 220, 500 kV, tạo đà cho những năm tiếp theo.

Theo EVN, với phương án tăng trưởng phụ tải ở mức 17%/năm thì từ nay đến năm 2015 sẽ tiếp tục cần một khối lượng vốn đầu tư rất lớn cho các dự án điện. Để thực hiện mục tiêu tăng thêm 28.000 MW điện, trong đó EVN đầu tư mới 13.000 MW, 15.000 MW còn lại do các doanh nghiệp khác đầu tư, tổng nhu cầu đầu tư và trả nợ của Tập đoàn EVN giai đoạn này ước khoảng 646.038 tỷ đồng.

Mặc dù đánh giá tính toán này của EVN là hơi “thái quá”, nhất là đòi hỏi về nguồn vốn, nhưng Phái viên của Thủ tướng Chính phủ Thái Phụng Nê cho rằng, kế hoạch này vẫn cần quyết tâm thực hiện bằng được. “Số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn vừa qua, tốc độ tăng điện thương phẩm đạt 14,31%/năm, thấp hơn dự báo 2-5%, nhưng đầu tư nguồn điện nếu không đáp ứng được tốc độ tăng trưởng điện tối thiểu 15%/năm thì khả năng gây thiếu điện có thể xảy ra”, ông Nê nói.

Đại diện các Bộ, ngành nhận định, để kế hoạch tăng trưởng điện khả thi, hiệu quả, việc triển khai các dự án điện cần làm rõ vấn đề trách nhiệm, có chế tài đủ nghiêm để xử lý, không để tình trạng chậm trễ như trong thực hiện Quy hoạch Điện VI vừa qua, đồng thời nhận thức rõ những thách thức, tính toán kỹ các vấn đề liên quan và kiên quyết khắc phục những tồn tại, yếu kém hiện nay.

Vốn đầu tư là vấn đề đầu tiên cần phải tính toán, cân đối hiệu quả. Bên cạnh việc khuyến khích huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách, nguồn vốn cần được phân bổ và phân định rõ đối với từng dự án, nhất quán như chủ trương mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu là “phải cụ thể cả con số và cụ thể với danh mục tiến độ các dự án”. Xem xét giảm phần vốn EVN đang nắm giữ tại một số dự án, tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp để tập trung, bổ sung vốn đầu tư cho các dự án, công trình điện mới.

Nâng cao hiệu quả sử dụng điện

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo Quy hoạch Điện VI đã nhiều lần phân tích: Hiện nước ta để GDP tăng 1% thì điện phải tăng trưởng gấp đôi, trong khi ở các nước khác, tỷ lệ này chỉ là 1/1 hoặc 1/1,3-1,5. Đó chính là bài toán minh chứng rõ nét nhất tình trạng còn sử dụng kém hiệu quả nguồn năng lượng, càng dẫn đến đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn.

Nâng cao hiệu quả sử dụng điện của nền kinh tế cần được coi là giải pháp không kém phần quan trọng bên cạnh yêu cầu tăng cường đầu tư. Theo đó, các hộ sử dụng điện lớn phải lưu tâm nâng cao hiệu suất sử dụng điện năng, đồng thời EVN giảm mạnh hơn nữa tỷ lệ tổn thất điện năng. Các công trình nguồn và lưới điện cũng cần thay đổi triệt để tình trạng chậm trễ tiến độ, đi vào vận hành đúng yêu cầu, đòi hỏi của nền kinh tế.


(Thủy điện A Vương do có mô hình quản lý hiệu quả nên đã triển khai vượt tiến độ - Ảnh Chinhphu.vn)

Đến năm 2008, lần đầu tiên tỷ lệ tổn thất điện năng của Việt Nam đã giảm xuống mức 1 con số, còn 9,35%. Đây là một thành công lớn nếu biết rằng, trước 1995 lượng điện lãng phí chiếm tới gần 1/4 sản lượng sản xuất. Tuy nhiên, tỷ lệ này cần tiếp tục nỗ lực giảm mạnh hơn nữa bằng các biện pháp kỹ thuật kết hợp đồng bộ với các biện pháp kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các biện pháp tiết kiệm điện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị đưa vào thị trường phát điện chính thức cũng được kỳ vọng như một hướng đi giúp ngành điện có sự phát triển, hoạt động hiệu quả với các cơ chế hoạt động công khai, bình đẳng và minh bạch giữa các nhà máy điện, các nhà đầu tư,…

Riêng đối với vấn đề đầu tư, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng định hướng đầu tư của ngành điện thời gian qua chưa thực sự cân bằng. “Quy hoạch phát triển từ trước đến nay nhẹ về lưới. Điều này dẫn tới tình trạng trong khi công suất nguồn đạt 15.000 MW thì truyền tải mới đạt 14.000 MW. Đây là điều cần hết sức chú ý trong triển khai đầu tư giai đoạn tới”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266