“Silicon Valley” của Hà Nội

23:10 - 02/05/2017

Tuy nhiên, sau 10 năm ra đời, Hòa Lạc vẫn chưa để lại được bất kỳ dấu ấn gì. TTCT trao đổi với ông NGUYỄN VĂN LẠNG - Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ, trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc.

* Thưa ông, mười năm đã trôi qua, những kỳ vọng về Khu CNC Hòa Lạc dường như đang mất dần?

- Đúng là nhiều năm qua Hòa Lạc trì trệ, không “lên” được vì nhiều lý do. Lý do quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng quá chậm, 10 năm chỉ làm được 200ha. Đầu tư hạ tầng thật sự không được bao nhiêu tiền, chưa đầy 200 tỉ đồng. Cái khó của một khu CNC như Hòa Lạc là chúng ta chưa có mô hình nào về khu CNC. Làm khu công nghiệp thì đơn giản, chỉ san lấp mặt bằng, làm đường sá, hạ tầng xong rồi mời người ta vào, cứ công nghiệp thì cho vào. Còn khu CNC thì phải làm thật bài bản. Chúng ta chọn mô hình cho Hòa Lạc là đào tạo nguồn lực, nghiên cứu triển khai, công viên phần mềm, khu công nghiệp CNC và các khu dịch vụ đáp ứng yêu cầu CNC, khu vui chơi, giải trí...

Muốn phát triển các khu CNC phải có hạ tầng tốt nhưng Hòa Lạc thì chưa có. Ngoài ra, Hòa Lạc cũng có cái khó là nằm ở vị trí chưa thuận lợi. Khi khai sinh chưa có đường, đến giờ đường cũng chưa đâu vào đâu. Nó cách Hà Nội 30km, cách sân bay Nội Bài 47km, xa cảng Hải Phòng 152km. Chính vì vậy mà mười năm qua nó phát triển rất chậm.

* Trước sự trì trệ của Hòa Lạc, trong hơn một năm qua, Chính phủ đã có hàng loạt quyết định quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng Hòa Lạc. Sự đốc thúc đó đã tác động như thế nào?

- Đúng là năm vừa qua là năm khởi sắc của Hòa Lạc nhờ những quyết sách quan trọng của Thủ tướng. Tháng 8-2006, hơn một tháng sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhậm chức, ông đã chọn đây là một trong những nơi thăm đầu tiên và có một số quyết sách rất táo bạo. Việc đầu tiên Thủ tướng quyết định mà chúng tôi cho rằng rất đúng và chính xác đã tạo ra sự nổi bật, thay đổi của Hòa Lạc là chuyển toàn bộ việc giải phóng mặt bằng cho tỉnh Hà Tây.

Chính vì vậy chỉ một năm qua đã giải phóng mặt bằng được 262ha, trong khi 10 năm trước chỉ làm được 200ha. Đấy là điều kỷ lục. Nếu không có gì thay đổi thì năm nay sẽ giải phóng xong 800ha mặt bằng. Năm ngoái Chính phủ hỗ trợ đầu tư gần 100 tỉ đồng vào hạ tầng và đến nay chúng tôi đã làm hạ tầng tốt lên. Nhờ những yếu tố đó mà năm vừa qua Hòa Lạc đã có sản phẩm xuất khẩu là chip và bo mạch điện tử với giá trị xuất khẩu 10 triệu USD. Cuối năm nay sẽ có sản phẩm phần mềm.

* Dù Thủ tướng có quan tâm nhưng có vẻ như các nhà đầu tư không mặn mà với Hòa Lạc?

- Trong năm 2007 đã có trên 500 doanh nghiệp của các nước tới thăm Hòa Lạc nhưng chỉ cấp được giấy phép cho năm nhà đầu tư với tổng số vốn hơn 200 triệu USD. Tới đây sẽ cấp giấy phép cho thêm 3-4 nhà đầu tư với khoảng 250 triệu USD. Sau tết các nhà máy và khu dịch vụ bắt đầu được xây dựng. Một loạt công ty phần mềm, rồi các dịch vụ, nhà máy sản xuất vật liệu mới, chip điện tử bắt đầu vào cuộc. Các dự án vào Hòa Lạc có thể chưa lớn lắm (lớn nhất là gần 200 triệu USD), nhưng quan trọng là suất đầu tư trên 10 triệu USD/ha là cao bởi bình quân suất đầu tư của nước ta chưa đầy 2 triệu USD/ha. Sau này chúng tôi sẽ nâng suất đầu tư vào Hòa Lạc lên 15-20 triệu USD/ha.

Năm nay Thủ tướng sẽ phê duyệt qui hoạch điều chỉnh chung và tất cả các khu chức năng sẽ được phê duyệt qui hoạch chi tiết. Không có cái này không thể làm được các bước tiếp theo. Đấy là cái quan trọng nhất mà từ trước đến nay chưa có. Năm nay Hòa Lạc cũng sẽ đầu tư hạ tầng mạnh với qui mô gấp đôi năm ngoái. Nếu không có gì thay đổi thì từ nay đến hết tháng tư sẽ có khoảng 500 triệu, 600 triệu USD được cấp phép. Một khu CNC có tổng vốn đầu tư như vậy không phải nhiều ở VN.

* Nhưng vẫn không thấy có tên tuổi lớn nào vào Hòa Lạc?

- Thật ra việc kêu gọi một nhà đầu tư lớn có nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng cái tên Hòa Lạc. Khu CNC Hòa Lạc rất khác với các khu công nghiệp khác. Trong Hòa Lạc cũng có các khu công nghiệp CNC với 300ha. Hòa Lạc khác các khu công nghiệp thuần túy ở chỗ nó có viện nghiên cứu, có trường đại học, có công viên phần mềm, có trung tâm ươm tạo. Vì thế, một dự án đầu tư có thể lớn về qui mô, diện tích nhưng còn phụ thuộc vào chuyện có phải là CNC hay không, và nó sẽ tạo ra giá trị gia tăng như thế nào...

* Ông có thấy việc Intel từng có ý định đầu tư vào Hòa Lạc nhưng sau đó chuyển hướng vào khu CNC TP.HCM là một sự đáng tiếc cho Hòa Lạc?

- Intel là một tập đoàn sản xuất điện tử bán dẫn lớn hàng đầu thế giới nên khi họ vào Hòa Lạc thì những nhà đầu tư khác sẽ vào theo. Đó là nguyên tắc tạo cú hích. Tuy nhiên, lúc đó hạ tầng Hòa Lạc chưa tốt nên họ vào TP.HCM.

Tôi nghĩ thời cơ sẽ đến với Hòa Lạc trong một vài năm nữa. Chắc chắn là như thế. Chính sách của đất nước cởi mở thì các nhà đầu tư sẽ đến nhiều hơn. Còn rất nhiều nhà đầu tư lớn. Intel không phải là nhà đầu tư lớn nhất hiện nay.

* Nhưng ở thời điểm này Hòa Lạc sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt với các khu CNC của các nước trong khu vực?

- Mỗi một quốc gia, mỗi một địa phương có một thời điểm của mình. Cách đây vài năm Trung Quốc là điểm đến của các nhà đầu tư thế giới. Lúc đó họ có rất nhiều lợi thế như giá nhân công rẻ, hạ tầng phát triển cao, cơ chế chính sách tốt... nhưng đến giờ thì Trung Quốc đã bão hòa. Giá nhân công Trung Quốc đã cao và một số chính sách bắt đầu điều chỉnh nên các nhà đầu tư không muốn “bỏ trứng vào một giỏ” nữa. Nhật Bản, Đài Loan đã đầu tư vào Trung Quốc thì giờ bắt đầu đầu tư tiếp sang nước thứ ba, gọi là công thức “Trung Quốc + 1”. Chuyện đó là tất yếu vì họ không muốn rủi ro cao. Họ muốn đầu tư sang nước thứ ba thì họ có thể chọn Ấn Độ, Thái Lan, VN...

Nhưng nếu cân bằng hết tất cả các yếu tố thì người ta thấy VN lợi thế hơn vì chính trị ổn định, chính sách cởi mở, đã tham gia WTO, đã trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc... Còn yếu tố nữa là giá nhân công VN rẻ, người VN độ tuổi trẻ rất cao. Vấn đề của chúng ta là đào tạo kỹ năng cho người lao động VN để đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư CNC. Nếu ta chớp được cái đó, tổ chức được cái đó thì thành công.

* Vậy Hòa Lạc đang chớp thời cơ như thế nào khi mà hạ tầng vẫn còn rất thiếu?

- Những dự án lớn đầu tư 3-4 năm mới sản xuất thì trong 3-4 năm đó chúng tôi đã đầu tư hạ tầng tốt rồi. Nhà đầu tư hiểu điều đó. Nếu đến có cỗ sẵn để ăn thì đã không đến lượt họ. Thế nên họ đến đây để đón đầu. Họ đầu tư vào đây vì biết rằng năm 2010 đường tới cảng Hải Phòng sẽ thông, đường đi sân bay không có gì phải bàn nữa...

Nhưng nói thế không phải mọi sự đã tốt. Còn rất nhiều khó khăn. Giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn vì giá cả thị trường thay đổi. Bộ máy của chúng tôi bất cập. Hòa Lạc phải cạnh tranh với tất cả các khu công nghiệp khác vì họ thuận lợi hơn rất nhiều về hạ tầng. Nhiều tỉnh có thể quyết định miễn thuế đất 100%, còn tôi đâu thể làm được.

* Chúng ta trông đợi gì ở những dạng công nghệ mới nhất trên thế giới được nghiên cứu, triển khai tại Hòa Lạc?

- Mình là một quốc gia chậm phát triển và đi sau thì thật sự mình cũng rất ít cơ hội kiếm được một dự án công nghệ cập nhật nhất của thế giới. Thường các tập đoàn lớn vẫn tập trung công nghệ mới ở chính quốc, ít khi chuyển sang các quốc gia khác. Vấn đề là mình phải có chính sách hợp lý để thu hút công nghệ. Bộ Khoa học - công nghệ đang nghiên cứu trình Chính phủ để ban hành nghị định về vấn đề này.

* Vậy Hòa Lạc sẽ có đặc trưng gì để khi nói đến CNC của VN người ta sẽ nhắc đến Hòa Lạc?

- Nói đến CNC của Mỹ người ta nghĩ đến Sillicon Valley. Nói đến cuộc cách mạng khoa học của Ấn Độ người ta nghĩ đến Bangolar, trung tâm sản xuất phần mềm hàng đầu thế giới. Nói tới Trung Quốc người ta nghĩ đến Trung Quan Thôn nổi tiếng với 800.000 người làm ra trên 100 tỉ USD/năm, trong đó có 39 trường đại học và rất nhiều viện nghiên cứu với những công viên phần mềm rộng trên 130ha.

Nói đến Đài Loan là nghĩ đến Tân Trúc sản xuất gần 40 tỉ USD/năm. Nói đến Nhật Bản người ta nghĩ đến Tsukuba nổi tiếng với rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và nhiều người được giải Nobel từ đó. Hòa Lạc chưa dám kỳ vọng điều gì nhưng nếu mọi sự thuận buồm thì nó sẽ tạo ra một điểm nhấn là một công viên khoa học của VN, một thành phố vệ tinh của Hà Nội về khoa học và công nghệ.

Khu CNC Hòa Lạc nằm trên trục đường Láng - Hòa Lạc và quốc lộ 21 Sơn Tây - Xuân Mai, cách thủ đô Hà Nội 30km về phía tây, là một bộ phận trong chuỗi đô thị phát triển không gian Hà Nội về phía tây với nhiều dự án trọng điểm như Khu liên hợp thể thao quốc gia, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Làng văn hóa các dân tộc VN, Cụm công nghiệp tỉnh Hà Tây.

Việc xây dựng Khu CNC Hòa Lạc nhằm mục tiêu góp phần xây dựng năng lực nghiên cứu - phát triển trong lĩnh vực CNC của đất nước; tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư nhằm thu hút vốn, CNC, nhân lực CNC trong nước và nước ngoài, để góp phần xây dựng các ngành công nghiệp CNC làm động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với các vùng kinh tế trọng điểm; tạo điều kiện thuận lợi gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu - phát triển CNC với sản xuất và dịch vụ nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp CNC và thương mại hóa CNC; góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất, tạo giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Hòa Lạc: những cột mốc

- 12-10-1998: Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Khu CNC Hòa Lạc.

- 18-1-2000: Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc.

- 12-8-2006: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại Khu CNC Hòa Lạc. Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học - công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập kế hoạch cụ thể xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc trong năm năm 2006-2010, khẩn trương kiện toàn tổ chức và nhân sự Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc. Thủ tướng giao UBND tỉnh Hà Tây chỉ đạo lập dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích Khu CNC Hòa Lạc.

- 24-3-2007: Thủ tướng làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tây, Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu CNC Hòa Lạc. Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu hai bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Khoa học - công nghệ phải phối hợp giao ban hằng tháng để đẩy nhanh tiến độ triển khai qui hoạch, giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng yêu cầu Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc phải quyết liệt triển khai đúng kế hoạch, qui hoạch, điều chỉnh những nơi chưa hợp lý, không để một số nhà đầu tư lợi dụng chiếm đất, chỉ những đơn vị chuyên nghiên cứu, sản xuất CNC mới được đầu tư vào đây. UBND tỉnh Hà Tây phải đảm bảo bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc.

- 10-4-2007: Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Giao thông vận tải xem xét đưa vào qui hoạch việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng ngoài Khu CNC Hòa Lạc. Bộ Khoa học - công nghệ phối hợp với Bộ Giáo dục - đào tạo, thông qua các trường đại học lớn của VN, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực theo mục tiêu và yêu cầu của các tập đoàn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản.

- 18-5-2007: Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch - đầu tư phối hợp với Bộ Khoa học - công nghệ và các cơ quan liên quan nghiên cứu các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực CNC vào Hòa Lạc. Thủ tướng cũng đồng ý cho phép Bộ Giao thông vận tải sử dụng vốn dư của dự án xây dựng cầu Thanh Trì để lập thiết kế chi tiết cho việc xây dựng đường vành đai 3, đoạn từ đầu đường cao tốc Láng - Hòa Lạc đến cầu Thanh Trì, nhằm phục vụ phát triển Khu CNC Hòa Lạc.

Nguồn: TTOL

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266