Tạo đà phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nước nhà
Sáng 27/4, tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, KCN hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản số 1 với quy mô 16 ha đã được khởi công xây dựng. Sự kiện này sẽ tạo đà phát triển mạnh hơn cho nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam và cũng là bước hiện thực hóa các nội dung của Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản.
Tới dự lễ khởi công có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba, lãnh đạo các Bộ, ngành, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương lân cận khác.
Đại diện phía Việt Nam – Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và phía Nhật Bản – Đại sứ Mitsuo Sakaba đều đánh giá đây là một dự án có tầm quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cũng như đối với các nhà đầu tư Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.
“Dự án ra đời phù hợp với quy hoạch phát triển cũng như chủ trương khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam. Việt Nam đón chào và kêu gọi sự tham gia đầu tư nhiều hơn nữa của các đối tác vào KCN này cũng như việc đẩy mạnh xây dựng nhiều KCN tương tự tại các vùng kinh tế công nghiệp khác”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá.
Các đối tác phía Nhật Bản đã cam kết trong năm 2009 sẽ đưa khoảng 50 doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản đầu tư tại KCN với tổng vốn khoảng 100 triệu USD. Riêng tại KCN Quế Võ – Bắc Ninh, sau 5 năm thành lập đã thu hút khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư từ Nhật Bản, đáng chú ý là dự án sản xuất máy in laser có quy mô lớn nhất thế giới, các dự án của Sanyo, Toyo Ink, Tabuchi, Mitsuwa,…
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp - đầu mối Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cho biết, sau KCN hỗ trợ số 1 này, sẽ có nhiều KCN hỗ trợ tương tự khác được triển khai trong cả nước với mục tiêu phát triển công nghiệp phụ trợ vốn còn thiếu và yếu ở Việt Nam.
Tại lễ khởi công, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Ninh, Công ty CP Phát triển đô thị Kinh Bắc, Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam tại Nhật Bản đã ký kết các văn kiện, cam kết và tăng cường hợp tác giữa 4 bên nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của dự án này./.
Công nghiệp phụ trợ được xem như ngành công nghiệp sản xuất các bộ phận chi tiết, linh kiện sản phẩm hàng hóa trung gian khác, chủ yếu do các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện. Phát triển công nghiệp phụ trợ là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành Công nghiệp nước nhà.
Đối với một số ngành, công nghiệp phụ trợ chiếm tới 40-95% giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp. Công nghiệp phụ trợ Việt Nam còn hết sức giản đơn, quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất các chi tiết giản đơn có giá trị gia tăng thấp.
Nguồn: Chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • 1.000 tỷ đồng phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số
- • Sau 1 năm vệ tinh VINASAT-1 phóng lên quỹ đạo: Hơn 70% dung lượng đã được sử dụng
- • Hội thảo, đào tạo CEO chuyên nghiệp
- • Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu Giáo dục và Đào tạo
- • Bộ Khoa Học - Công nghệ và Bộ Giáo dục - Đào tạo Cam kết mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực Khoa học và Công nghệ phù hợp với nhu cầu phát triển của các Khu công nghệ cao trong phạm vi cả nước.
- • Giải thưởng VIFOTEC 2008 mang lại nhiều lợi ích cho đất nước
- • Nhà nước sẽ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia công tác đào tạo
- • Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông mở cửa truongcongnghe.vn
- • Trường ĐH KHCN Hà Nội sẽ xây dựng trong khuôn viên 65 ha Khu Công nghệ cao Hoà Lạc
- • Hội đàm giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc