Phát triển công nghệ vũ trụ nhằm giảm thiệt hại thiên tai

23:10 - 02/05/2017

Dự án “Trung tâm Vũ trụ Việt Nam” tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là trung tâm nghiên cứu triển khai, đào tạo khoa học và công nghệ vũ trụ hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á; có thể giảm thiểu được 10% thiệt hại do các thảm hoạ thiên tai gây ra.

(Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và PGS Phạm Anh Tuấn tham quan 1 khoang tàu vũ trụ có người lái của JAXA ( Nhật Bản) - Ảnh: Chinhphu.vn)

Đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu ngày 19/5 đã đến làm việc với Cơ quan Hàng không – Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và thăm Trung tâm Vũ trụ Tsukuba.

Đây là một sự kiện quan trọng thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ giữa Việt Nam và Nhật Bản vào thời điểm Chính phủ hai nước đang tích cực chuẩn bị thực hiện dự án xây dựng “Trung tâm Vũ trụ Việt Nam” tại Khu Công nghệ cao Hòa lạc.

Mục tiêu ưu tiên

Là một trong những nước chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới, việc phát triển CNVT thông qua việc phát triển và ứng dụng dữ liệu vệ tinh là mục tiêu ưu tiên của Việt Nam.

Theo thống kê, hàng năm, thảm họa thiên tai khiến hàng trăm người thiệt mạng và gây tổn thất ước tính trên một tỉ đô la Mỹ, chiếm tới 1,5% GDP của Việt Nam.

Để góp phần phòng ngừa, giải quyết những thảm họa của thiên tai, trước mắt cần phải thiết lập và xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thu nhận liên tục dữ liệu viễn thám vệ tinh để giám sát các hiện tượng tự nhiên, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường…

Ngày 14/06/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” nhằm xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta và phân công thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương...

Quan điểm chỉ đạo bao trùm của Chiến lược là phục vụ thiết thực và có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên, giám sát môi trường và thiên tai, góp phần nâng cao vị thế quốc tế, tiềm lực khoa học - công nghệ và sức mạnh của đất nước.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã mạnh dạn đề xuất chủ trương xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc từ năm 2007. Sau nhiều khâu chuẩn bị, Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc đã được Chính phủ giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với sự hỗ trợ thiết kết, xây dựng của Nhật Bản.

Tháng 7/2008, Nhật Bản đã cấp kinh phí và thành lập Nhóm tư vấn thuộc Tổ chức xúc tiến mậu dịch (JETRO) cho việc lập “Nghiên cứu tiền khả thi Trung tâm vũ trụ Việt Nam”. Dự án dự kiến được triển khai từ năm 2011 đến năm 2018.

Nòng cốt để phát triển công nghệ vũ trụ.


Ngày 22/4/2009, Chính phủ đã kết luận đây là dự án đầu tư trọng điểm, tạo cơ sở nòng cốt để triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu-triển khai, đào tạo, ứng dụng CNVT và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNVT, nhằm thực hiện Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020.

Khi dự án này được hoàn thành và đi vào khai thác, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ từng bước hoàn thành chương trình xây dựng và xử lý các dữ liệu viễn thám từ các vệ tinh quan sát trái đất phục vụ các nhiệm vụ cụ thể sau:

- Giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, thảm họa môi trường.

- Dự báo sản lượng nông nghiệp và nguồn lợi hải sản bằng CNVT nhằm phục vụ cho hoạch định chiến lược phát triển bền vững trong nông nghiệp và đánh bắt thủy - hải sản.

- Cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và qui hoạch đất đai.

- Xây dựng các hệ thống dẫn đường.

- Nghiên cứu và phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Sau khi hoàn thành dự án, Việt Nam sẽ có một trung tâm nghiên cứu triển khai, đào tạo khoa học và công nghệ vũ trụ hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Thông qua dự án, theo đánh giá của các chuyên gia Nhật bản Việt Nam có thể giảm thiểu được 10% thiệt hại do các thảm họa thiên tai gây ra.

Đồng thời Việt Nam trở thành một trong những nước có khả năng tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất có độ phân giải cao tiên tiến trên thế giới, qua đó thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ cao cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ.

Tạo bước đột phá.

Hợp tác nghiên cứu và tiến tới làm chủ những công nghệ về du hành và vụ trụ sẽ là một bước đột phá trong nền khoa học và công nghệ nước nhà. Bên cạnh đó với tư cách là biểu tượng công nghệ cao của quốc gia, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ góp phần làm cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành khu công nghệ cao trọng điểm và đặc thù không chỉ trong nước mà còn trong khu vực Đông Nam Á.

Tầm quan trọng của Trung tâm vũ trụ Việt Nam chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả thực sự của nó chúng ta còn rất nhiều thách thức phải vượt qua. Cùng với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, vấn đề có tính cấp bách là đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu và ứng dụng CNVT, nhằm mục tiêu khi Trung tâm vũ trụ đi vào hoạt động (năm 2018) có đội ngũ cán bộ đạt trình độ cao trong lĩnh vực này.

Để đào tạo một đội ngũ cán bộ có trình độ cao đòi hỏi cần một quá trình do nhân lực của chúng ta hiện nay phần lớn không phải được đào tạo đúng chuyên ngành CNVT. Do đó song song với việc chủ động đào tạo nhân lực, chúng ta cần phải có cơ chế tài chính riêng để thu hút chuyên gia nước ngoài vào làm việc.

Để triển khai, thực hiện chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT, trong đó có Dự án quy mô như Trung tâm vũ trụ Việt Nam, cần một sự hợp tác, liên kết giữa Viện KHCNVN với các đơn vị bộ, ngành trong nước, hợp tác quốc tế; nhất là sự quan tâm hơn của Nhà nước mới mong dự án được triển khai kịp thời và đạt hiệu quả.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266