Chú trọng nâng cao chất lượng thu hút FDI

23:10 - 02/05/2017

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, vẫn cần có những điều chỉnh chính sách để khuyến khích đầu tư, tăng cường hiệu quả của nguồn vốn này .

Góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Trong giai đoạn 2001-2010 (tính đến 21/12/2010) đã có hơn 12.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 192,9 tỷ USD và vốn thực hiện khoảng 63 tỷ USD.

FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho nền kinh tế của nước ta trong những năm đầu đổi mới đồng thời nguồn vốn này còn có tác dụng tương hỗ, kích thích đầu tư trong nước phát triển. Ngoài ra, đây cũng là một kênh tạo thêm việc làm cho lực lượng lao động trong nước.

Đóng góp trực tiếp của FDI vào xuất khẩu cũng góp phần cải thiện cán cân thương mại trong nước (năm 2010 khu vực FDI xuất siêu đạt 2,35 tỷ USD).

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam VBF hồi đầu tháng 12/2010, ông Hank Tomlinson - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam tiếp tục thành công trong việc hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Một phần lớn của sự thành công này nằm ở sự kỳ vọng về triển vọng sáng sủa của nền kinh tế và sự ổn định về chính trị của Việt Nam.

Kết quả đạt được trong thu hút nguồn FDI ở Việt Nam ngoài những lợi thế về ổn định chính trị và lao động giá rẻ, Việt Nam được xếp hạng cao trong việc tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận đất đai. Những chính sách miễn tiền sử dụng đất hoặc miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước ở các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn ... cũng đã tạo thêm thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Vẫn còn bất cập cần khắc phục

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu trên góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp FDI có năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh chưa cao bởi có trên 50% doanh nghiệp FDI làm ăn thua lỗ liên tục. Bên cạnh đó hiện tượng chuyển giá (sẽ gây thất thu cho ngân sách) tại các doanh nghiệp thua lỗ triền miên đang ngày càng rõ.

Cho đến nay chỉ có khoảng 4 công ty đa quốc gia đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, còn lại chủ yếu là các công ty con thế hệ thứ hai hoặc thứ ba, điều này cũng làm hạn chế cơ hội tiếp cận công nghệ nguồn cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như làm tăng nguy cơ chuyển giá.

Tác động của đầu tư FDI đến tăng trưởng chưa dựa nhiều vào cải thiện năng suất, đẩy mạnh khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu.

Theo TS. Nguyễn Tú Anh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW), chính sách khuyến khích FDI cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng ưu tiên chuyển giao công nghệ và năng suất lao động. Đã đến lúc cần chi tiết hóa những chính sách ưu đãi đặc thù cho các công ty mẹ đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, ưu đãi cần kèm theo các điều kiện cụ thể như việc chuyển giao công nghệ nguồn.

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết những dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn, sử dụng nhiều đất, gây ô nhiễm, sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản, chậm tiến độ, tốn năng lượng sẽ phải có những chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để xử lý thậm chí rút giấy chứng nhận đầu tư nếu cần thiết.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266