Việt Nam - Nhật Bản: Những “dấu ấn” khoa học công nghệ

23:10 - 02/05/2017

Dự án Trung tâm Vũ trụ - một trong những dự án khoa học công nghệ (KHCN) lớn nhất của Việt Nam trong 35 năm qua - với tổng vốn đầu tư 600 triệu USD đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã chính thức được khởi công vào tháng 9/2012. Đây là một trong những dự án KHCN lớn nhận được sự trợ giúp từ Chính phủ Nhật Bản.

Ông Hatoyama Yukio - nguyên Thủ tướng nội các Nhật Bản, Chủ tịch Viện nghiên cứu Khối cộng đồng Đông Á nhận định: KHCN là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hai quốc gia đang tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược. Nhật Bản có thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp máy móc. Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất hàng tiêu dùng. Như vậy, việc hợp tác về KHCN của hai nước có thể tập trung vào việc nâng cao công nghệ để sản xuất hàng tiêu dùng chất lượng. Đây là sự bổ trợ hiệu quả cho nhau.

Trước đó, Việt Nam và Nhật Bản đã ký Hiệp định Chính phủ về hợp tác KHCN. Trên cơ sở hiệp định, Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác KHCN giữa Việt Nam - Nhật Bản đã được thành lập và đã có 3 phiên họp Ủy ban Hỗn hợp được tổ chức luân phiên tại Việt Nam và Nhật Bản. Hiện nay, nhiều dự án quy mô lớn, nhiều chương trình hợp tác quan trọng về KHCN giữa hai nước đã tích cực được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả cao cho cả hai quốc gia.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ năm 2000 đến nay đã có hơn 42 nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu khoa học theo Nghị định thư giữa Việt Nam và Nhật Bản được triển khai. Cụ thể, “dấu ấn” KHCN Nhật Bản đã được khắc họa rõ nét trong hàng loạt dự án lớn của Việt Nam như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam… Trong đó, dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam khởi công vào tháng 9/2012 với tổng vốn đầu tư 600 triệu USD từ nguồn vốn ODA Nhật Bản được cho là không những mang lại lợi nhuận hàng tỷ USD cho Việt Nam nhờ cảnh báo được những biến động về thời tiết, mà còn là dự án khởi đầu cho sự hợp tác chiến lược giữa hai nước trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ - một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến những hợp tác trong lĩnh vực đào tạo với gần 400 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa các trường đại học của hai nước. Số lượng cán bộ nghiên cứu KHCN tham gia vào các hoạt động hợp tác, trao đổi khoa học đang tăng dần theo từng năm. Nếu năm 2005 có hơn 500 lượt cán bộ Việt Nam được cử sang Nhật Bản nghiên cứu, thì đến năm 2012 con số này đã lên đến 1.200 người. Ngược lại, số lượng cán bộ của Nhật Bản sang Việt Nam cũng tăng từ 1.800 lượt người năm 2005 lên 2.600 lượt người năm 2012. Nhiều người trong số đó đang làm việc và giữ trọng trách tại các viện nghiên cứu, trường đại học hay các DN Nhật Bản cũng như tại Việt Nam. Hai nước cũng đã và đang hợp tác phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình; hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng…

Với những “dấu ấn” trên, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho rằng, thời gian tới, bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác song phương trong các khuôn khổ hợp tác KHCN đã được thiết lập giữa hai nước, Việt Nam và Nhật Bản cũng cần gia tăng sự tham gia vào các cơ chế hợp tác KHCN đa phương đã và mới được hình thành. Các hướng công nghệ dự kiến tập trung hợp tác trong thời gian tới bao gồm: Công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ vũ trụ, công nghệ thông tin…

Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam với nguồn cung cấp viện trợ phát triển chính thức song phương (ODA) lớn nhất, là nhà đầu tư số một, đồng thời là đối tác thương mại song phương lớn thứ ba của Việt Nam. Năm 2012, ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam chiếm 30% tổng cam kết viện trợ nước ngoài cho Việt Nam. “Trong tình hình chung đó, chúng tôi cũng mong muốn Nhật Bản dành thêm nguồn vốn ODA hỗ trợ cho KHCN Việt Nam” - Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay./.

Nguồn: ven.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266