Thúc đẩy hợp tác KH&CN Việt Nam - Nhật Bản để tương xứng với tiềm năng giữa hai nước

23:10 - 02/05/2017

Chia sẻ những kết quả đạt được trong việc hợp tác khoa học công nghệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản tại hội thảo “Hợp tác khoa học Việt Nam - Nhật Bản: thành tựu và triển vọng” vừa mới diễn ra, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giữa hai nước phát triển tốt đẹp, hiệu quả. Nhiều vấn đề khoa học công nghệ đã từng bước được giải quyết, góp phần đáng kể nâng cao năng lực và tiềm lực khoa học công nghệ của Việt Nam. Trong thời gian tới, cần có sự quan tâm hơn nữa nhằm thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ Việt Nam - Nhật Bản cho tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước.

- Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả đạt được trong việc hợp tác khoa học công nghệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có thể khẳng định, cùng với sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Nhật Bản, hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giữa hai nước phát triển tốt đẹp, đa dạng, thiết thực, hiệu quả và đã đạt những bước tiến đáng khích lệ. Hiệp định Chính phủ về hợp tác khoa học công nghệ Việt Nam - Nhật Bản được ký năm 2006 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức khoa học công nghệ của hai nước. Đến nay, nhiều tổ chức nghiên cứu và phát triển giữa hai nước đã có những quan hệ hợp tác tốt, thông qua các chương trình, dự án hợp tác về khoa học công nghệ đã và đang tích cực được triển khai thực hiện, trên cơ sở nhu cầu hợp tác và thế mạnh của mỗi nước.

Thông qua các chương trình, dự án hợp tác khoa học công nghệ giữa hai nước, nhiều vấn đề khoa học công nghệ mà hai nước cùng quan tâm đã từng bước được giải quyết, góp phần đáng kể vào việc nâng cao năng lực và tiềm lực khoa học công nghệ của Việt Nam.

- Vậy những dự án hợp tác điển hình trong lĩnh vực khoa học - công nghệ giữa hai nước thời gian qua là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Từ năm 2000 đến nay, đã có hơn 42 nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu khoa học theo nghị định thư giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được triển khai với tổng kinh phí đối ứng từ phía Việt Nam được hỗ trợ trực tiếp từ Bộ Khoa học - Công nghệ là hơn 102 tỷ đồng, tương đương khoảng 5 triệu USD.

Một số quan hệ hợp tác điển hình có thể kể đến như: hợp tác giữa Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam (AGI) và Viện Nghiên cứu hóa - lý (RIKEN) trong lĩnh vực công nghệ sinh học; Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam (VAST) với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ; Viện Địa lý với Trung tâm Khoa học và Công nghệ biển Nhật Bản (JAMSTEC) về địa chấn học; hợp tác giữa Viện Khoa học Vật liệu Việt Nam với Viện Khoa học Vật liệu Nhật Bản (NIMS)...

Thông qua đó, nhiều vấn đề khoa học và công nghệ mà hai nước cùng quan tâm đã từng bước được giải quyết trong các lĩnh vực như: công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ vũ trụ, công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, tin học, viễn thông, năng lượng nguyên tử và năng lượng mới, công nghệ môi trường, công nghệ sinh học, biến đổi khí hậu.

- Và phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là minh chứng cụ thể, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đúng vậy. Dự án phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là một trong những dự án trọng điểm quy mô lớn được Chính phủ Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam trong tuyên bố chung giữa hai Chính phủ nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 10/2006. Hiện nay, dự án xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản trị giá hơn 30 tỷ Yên, khoảng 270 triệu USD đang được tích cực triển khai. Đồng thời, Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tổng vốn đầu tư là 600 triệu USD cũng đang được thực hiện. Ngoài ra, một số dự án khác như Dự án Đại học Quốc tế Việt – Nhật, Dự án Thành phố sinh thái tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng đang được thúc đẩy.

- Thưa Bộ trưởng, có thể nói rằng Việt Nam và Nhật Bản đang có những điều kiện hết sức thuận lợi, đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác về khoa học công nghệ, trong đó một yếu tố quan trọng là Việt Nam đã có một đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ được đào tạo bài bản tại Nhật Bản?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Thời gian qua, Việt Nam đã có một đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ được đào tạo bài bản tại Nhật Bản và hiện nay nhiều người trong số đó đang làm việc và giữ những trọng trách tại các viện nghiên cứu, trường đại học hay các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như tại Việt Nam. Đây chính là tiền đề tốt cho việc tăng cường các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản vào Việt Nam nhằm góp phần phát triển mối quan hệ toàn diện của cả hai nước.

Đến nay, đã có gần 400 thỏa thuận hợp tác cũng đã được ký giữa các trường đại học của hai nước. Nếu như năm 2005 có hơn 500 lượt cán bộ nghiên cứu của Việt Nam được cử sang Nhật Bản nghiên cứu thì đến năm 2012, con số này đã lên đến hơn 1.200 lượt người. Số lượng cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhật Bản được cử sang Việt Nam trong năm 2005 có khoảng 1.800 lượt người, thì đến năm 2012 có gần 2.600 lượt người. Cùng với đó, số lượng sinh viên Việt Nam đang theo học tại Nhật Bản hiện đã lên đến hơn 5.000 người. Đây cũng chính là một trong những nguồn nhân lực quan trọng thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung giữa Việt Nam và Nhật Bản.

- Nhật Bản có phải là đối tác lớn nhất của Việt Nam trong việc cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) thưa Bộ trưởng ? Bộ trưởng hy vọng gì về sự hợp tác khoa học, công nghệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới ?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam với nguồn cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất - là nhà đầu tư số một; đồng thời là đối tác thương mại song phương lớn thứ ba của Việt Nam. Năm 2012, ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam chiếm 30% tổng cam kết viện trợ nước ngoài cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhật Bản hiện có gần 2.000 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 31 tỷ USD, chiếm tỷ lệ cao trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy cần có sự quan tâm hơn nữa nhằm thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới cho tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước và thúc đẩy hợp tác có trọng tâm cho từng giai đoạn. Hy vọng rằng, cùng với sự quan tâm và ủng hộ của hai Chính phủ, sự nỗ lực của các nhà khoa học, công nghệ, hợp tác về khoa học, công nghệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới sẽ ngày càng phát triển và tương xứng với nhiệm vụ và vai trò của mình trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

- Xin cám ơn Bộ trưởng!

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266