Sẽ đầu tư mạnh hơn cho các dự án công nghệ cao công nghệ cao

23:10 - 02/05/2017

Khu công nghệ cao Hòa Lạc vừa được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch lên gần 1.600 ha, với 2 tuyến đường bộ - đường sắt nối với trung tâm Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, kiêm Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, làm tốt quy hoạch mà Thủ tướng phê duyệt, Hòa Lạc sẽ trở thành một “thành phố khoa học” của quốc gia trong tương lai.

Được thành lập từ năm 1998, đến nay, nhiều mục tiêu đặt ra cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa đạt được. Việc tiếp tục quy hoạch mở rộng Khu công nghệ cao Hòa Lạc thêm hơn 200 ha nữa liệu có nhiều ý nghĩa?
Quy hoạch Khu công nghệ cao Hòa Lạc được thực hiện đầu tiên vào năm 1998. Lúc đó, điều kiện kinh tế - kỹ thuật, việc thực hiện giải phóng mặt bằng, đường xá của chúng ta đều chưa tốt.

Thêm nữa, châu Á khi đó bị khủng hoảng kinh tế, báo cáo về xu hướng phát triển công nghệ cao của thế giới cũng chưa đầy đủ. Vì thế, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã không phát triển như mong muốn. Hiện nay, với xu thế tất yếu là phát triển công nghệ cao, Chính phủ quyết định điều chỉnh quy hoạch cho hợp lý, đáp ứng yêu cầu mới của thế giới cũng như của nước ta.

Vậy nội dung điều chỉnh cụ thể là gì, thưa ông?
Điều chỉnh cơ bản nhất là với 10 khu chức năng. Khu công nghệ cao sẽ hình thành như một thành phố khoa học bền vững, với các khu nghiên cứu phát triển, khu đào tạo, viện nghiên cứu. Ngoài ra, Khu công nghệ cao sẽ có một công viên phần mềm và sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn cho các dự án công nghiệp công nghệ cao với diện tích 550 ha. Quy hoạch mới còn xây dựng các khu có điều kiện dịch vụ tốt cho nhà đầu tư, như khu tiện ích, khu nhà ở, khu dịch vụ tổng hợp (gồm nhà trẻ, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng...).

Một tuyến đường sắt nội vùng kết nối với đường sắt nội đô Hà Nội cũng sẽ được xây dựng, nhằm tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hành khách giữa Khu công nghệ cao Hòa Lạc và trung tâm Hà Nội. Theo quy hoạch, đến năm 2015, tức là sau gần 8 năm nữa, dân số của Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là 143.500 người, gấp hơn 13 lần so với hiện nay.

Với việc điều chỉnh như vậy, Quy hoạch mở rộng Khu công nghệ cao Hòa Lạc có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát triển kinh tế nội vùng cũng như khu vực xung quanh Hà Tây?

Trước kia, khi đường Láng - Hoà Lạc chưa được mở, hệ thống giao thông kết nối khu vực này với Hà Nội, sân bay Nội Bài và Cảng Hải Phòng còn nhiều hạn chế. Việc mở tuyến đường cao tốc Láng - Hòa Lạc đã thu hẹp khoảng cách của Khu công nghệ cao Hoà Lạc với các điểm quan trọng này. Chính phủ cũng đã phê duyệt tuyến đường sắt nối Hoà Lạc với trung tâm Hà Nội. Như vậy, hai tuyến đường trên sẽ kết nối Hoà Lạc gần hơn với Hà Nội, Nội Bài, Cảng Hải Phòng...

Nếu làm tốt quy hoạch mà Chính phủ phê duyệt, Khu công nghệ cao Hoà Lạc sẽ trở thành một thành phố khoa học. Ở đó sẽ có hàng ngàn nhà khoa học, nhiều trường đại học với các giảng viên trong nước và quốc tế, cùng nhiều nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, truyền thông, kỹ thuật số, công nghệ sinh học.

Đến nay, Ban quản lý Khu công nghệ cao đã cấp giấy phép cho gần 30 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 570 triệu USD. Đó là Dự án Trung tâm Dữ liệu quốc tế của Vietel cùng với Trung Hoa Telecom có vốn đầu tư 50 triệu USD, dự án của Tập đoàn Đầu tư Vcap (Hoa Kỳ) với vốn đầu tư 150 triệu USD... Ngoài ra, còn một loạt thoả thuận của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với vốn đầu tư khoảng vài tỷ USD. Bên cạnh đó, Trường Đại học FPT, với 10.000 sinh viên do Công ty FPT đầu tư cũng đang chuẩn bị được khởi công xây dựng. Công ty FPT đang lập hồ sơ cho dự án công viên phần mềm, để kêu gọi các nhà đầu tư về lĩnh vực phần mềm.

Nguồn: Đầu Tư

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266