Đầu tư vào R&D tại Việt Nam: Cần sự vào cuộc hơn nữa của các DN lớn
Trong những năm gần đây, hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (Research and Development - R&D) tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ. Đáng chú ý là dù giá trị tuyệt đối còn hạn chế nhưng các doanh nghiệp đã chiếm phần đáng kể trong đầu tư R&D quốc gia. Tuy nhiên, vẫn cần sự vào cuộc hơn nữa của các tập đoàn, doanh nghiệp Việt.
Viettel đã thành lập Viện Nghiên cứu và phát triển Viettel vào năm 2010 theo mô hình của các tập đoàn lớn trên thế giới - Ảnh: Viettel R&D
Doanh nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 64% vào R&D quốc gia
Trong năm 2021, Bộ KH&CN và Tổ chức SIRO’s Data61 của Australia hợp tác tiến hành một nghiên cứu chung nhằm phân tích, đánh giá một cách khoa học các giai đoạn phát triển công nghệ hiện tại ở Việt Nam cũng như những đóng góp của các hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) khác nhau đối với quá trình đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Báo cáo là một phân tích toàn diện về R&D tại Việt Nam và làm thế nào để áp dụng những bài học kinh nghiệm từ các nước láng giềng thành công như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… trong thúc đẩy và lấy R&D là động lực chính để đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế, giảm phụ thuộc vào FDI và tăng ưu thế cạnh tranh…
Theo báo cáo, mặc dù đã có sự cải thiện trong việc phân bổ nguồn lực cho R&D tại Việt Nam trong những năm gần đây nhưng so với mức đầu tư trung bình của các nước khu vực và quốc tế thì mức đầu tư cho R&D của Việt Nam còn khá thấp. Năm 2019, ngân sách cho R&D tại Việt Nam bằng 0,53% tổng GDP, thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng (chỉ có Indonesia và Philippines là có cường độ R&D thấp hơn).
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ KH&CN) cho rằng, việc hạn chế nguồn lực đầu tư cho R&D của Việt Nam cũng là điều dễ hiểu. Mặc dù tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế và sức ép nhu cầu đầu tư ở các lĩnh vực khác thì hiển nhiên sẽ khó khăn khi cân nhắc phân bổ nguồn lực vào nghiên cứu phát triển các công nghệ mang tính mới so với thế giới.
Sự hạn chế của nguồn lực R&D thể hiện qua số lượng các nhà nghiên cứu tính trên một triệu dân. Tỉ lệ nhân lực làm R&D trên dân số của Việt Nam tương đối thấp so với các quốc gia khác, tỉ lệ này chỉ tương đương 20% so với tỷ lệ trung bình của khu vực EU, tương đương 7,6% của Hàn Quốc, tương đương 29,8% của Malaysia, tương đương 58% của Thái Lan. Nguồn nhân lực R&D của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực nhà nước (84,13%), trong khi khu vực ngoài nhà nước chiếm 13,8%.
Tuy nhiên, đáng chú ý là, dù giá trị tuyệt đối còn hạn chế nhưng các doanh nghiệp đã chiếm phần đáng kể trong đầu tư R&D. Các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 64% vào R&D quốc gia, tỉ lệ này có thể so sánh với Singapore (52%), Hàn Quốc (77%) và Trung Quốc (77%). Đây là một dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp chủ động tham gia R&D để nội địa hoá công nghệ nước ngoài và tăng cường đổi mới sáng tạo.
Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Nam Hải cho rằng, trong những năm gần đây, đã có sự vào cuộc của các ‘ông lớn’ như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN), Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FPT, Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông… trong chuyển giao công nghệ và phát triển R&D.
Điển hình như Viettel đã thành lập viện nghiên cứu riêng (Viện Nghiên cứu và phát triển Viettel) vào năm 2010 theo mô hình của các tập đoàn lớn trên thế giới. Từ năm 2014, Viettel đã trích 10% lợi nhuận trước thuế, tương đương 2.500 tỷ đồng, đầu tư vào Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ.
Hay PVN cũng đã hợp tác với Bộ KH&CN chế tạo giàn khoan thế hệ mới phục vụ hoạt động khai thác dầu khí. Với nỗ lực của các nhà khoa học trong nước, doanh nghiệp này đã thiết kế và làm chủ được công nghệ sản xuất giàn khoan, đưa Việt Nam lên Tốp 10 thế giới và Tốp 3 các nước châu Á có năng lực chế tạo giàn khoan tự nâng 90 mét và 120 mét vào năm 2009.
Một số thành công của R&D nội địa tại Việt Nam đến từ các hoạt động chuyển giao công nghệ quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu về R&D, mặc dù các quốc gia đang phát triển có thể hưởng lợi đáng kể từ các nỗ lực R&D của các đối tác thương mại nhưng mức độ hưởng lợi lại phụ thuộc vào quy mô hoạt động R&D mà các nước này triển khai. Điều này cho thấy mối liên hệ tiềm năng giữa chuyển giao công nghệ quốc tế sâu rộng và các hoạt động R&D của chính các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Nguồn lực quan trọng khác của R&D đến từ phía Chính phủ. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã phát triển mạng lưới các viện nghiên cứu công lập, chiếm một phần lớn cả về ngân sách R&D công lập và nhân lực R&D. Năm 2020, có 652 tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá, các tổ chức nghiên cứu này vẫn còn ít liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp và các trường đại học tư.
Bên cạnh đó, phần lớn đầu tư R&D tại Việt Nam vào các ngành kỹ thuật và công nghệ. Điều này cũng được thể hiện qua phân tích về công bố khoa học quốc tế. Dữ liệu về các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy Việt Nam có trình độ chuyên môn cao hơn mức trung bình của thế giới về toán học, thống kê, nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp và sinh học. Các lĩnh vực khác như khoa học môi trường, y học lâm sàng, môi trường xây dựng và thiết kế cũng là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Hơn nữa, nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam chiếm phần chủ đạo (69% tổng số nghiên cứu) cho thấy tiềm năng đẩy mạnh R&D để đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất lao động trong các ngành công nghiệp.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia làm chủ được công nghệ sản xuất giàn khoan, đưa Việt Nam ngang tầm thế giới - Ảnh: PVN
Tăng đầu tư vào R&D
Về hướng phát triển cho R&D tại Việt Nam, nghiên cứu chung của Bộ KH&CN Việt Nam và Tổ chức SIRO’s Data61 cũng đặt vấn đề Việt Nam và Hàn Quốc cùng có một xuất phát điểm là đi lên từ một nước thuần nông nghiệp, vậy làm thế nào để Việt Nam có thể nhanh chóng bứt phá, bắt kịp với Hàn Quốc?
Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Chánh Văn phòng Bộ KH&CN, Hàn Quốc là một ví dụ điển hình của việc “bắt kịp” thành công nhờ cường độ đầu tư cho R&D. Trong những năm 1980 và 1990, đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng của các nước đang phát triển với sản xuất lao động giá rẻ, Hàn Quốc chuyển trọng tâm sang phát triển và áp dụng các công nghệ mức trung bình, có hàm lượng tri thức nhiều hơn trên tất cả các lĩnh vực.
Do công nghệ ở giai đoạn này phức tạp hơn, khó tiếp thu và áp dụng hơn rất nhiều nên các doanh nghiệp Hàn Quốc ngày càng đẩy mạnh các hoạt động R&D của riêng họ. Đầu tư cho R&D tăng vọt từ 28,6 triệu USD năm 1971 lên 4,7 tỷ USD vào năm 1990 và lên 12,2 tỷ USD vào năm 2000. Tốc độ tăng trưởng chi tiêu cho R&D trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình hằng năm trong giai đoạn 1981-1991 ở Hàn Quốc là 24,2% mỗi năm.
Nhóm nghiên cứu mô phỏng tác động của chi tiêu cho R&D đối với nền kinh tế Việt Nam với giả định rằng Việt Nam đi theo con đường tương tự của Hàn Quốc và tốc độ tăng trưởng chi cho R&D trung bình là 24,5%/năm trong 10 năm tới cho đến năm 2030.
Sự gia tăng chi tiêu cho R&D cũng có tác động đến sự gia tăng tiêu dùng và đầu tư, chủ yếu là do thu nhập của lao động có kỹ năng và lao động phổ thông có sự gia tăng khi sản xuất phát triển trong nền kinh tế sau này. Trong đó, mức tăng tiêu dùng và đầu tư thu được từ đầu tư R&D lần lượt chiếm 20,2% và 11% tổng tiêu dùng và đầu tư vào năm 2045.
Nếu Việt Nam đi theo con đường tương tự của Hàn Quốc thì tác động sẽ tăng cao hơn. Đầu tư cho R&D dự kiến sẽ đóng góp tới 15% tổng GDP dự báo vào năm 2045. Mức tăng tiềm năng trong tiêu dùng và đầu tư cũng cao hơn, lần lượt là 25,4% và 15%, so với 20,2% và 11% khi Việt Nam tăng đầu tư R&D theo mục tiêu của Bộ KH&CN.
Đặc biệt, ở Hàn Quốc, vai trò của các tập đoàn lớn (chaebol) trong chuyển đổi kinh tế đất nước là không thể phủ nhận. Một trong những chiến lược của các “chaebol” để trở thành các nhà tiên phong trong công nghệ toàn cầu là phải đầu tư mạnh vào R&D, chiếm lĩnh thị trường thông qua sáp nhập và mua lại các công ty của Mỹ và châu Âu, những biện pháp cho phép Hàn Quốc nâng cao năng lực công nghệ trong thời gian ngắn.
Một bài học sâu sắc nữa Việt Nam có thể học hỏi từ Hàn Quốc đó chính là: Bên cạnh mở rộng đầu tư vào R&D, cũng nên xây dựng một hệ thống để đánh giá hiệu quả và hiệu suất của các dự án đầu tư R&D. Mục đích là nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những dự án đầu tư “chi phí cao - hiệu quả thấp”, đồng thời giúp đổi mới hoạt động R&D của chính phủ; đề xuất được các giải pháp thay thế hữu ích.
Các quốc gia không thể dựa vào một cách duy nhất để đổi mới và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp có thể theo đuổi R&D độc lập cũng như đổi mới công nghệ để phát triển. Việc sao chép các công nghệ tiên tiến là một quá trình học hỏi quan trọng nhằm bắt kịp các quốc gia đi trước, nhưng trên thực tế nó vẫn chưa phải là điều kiện đủ. Đổi mới một cách tích cực thông qua R&D trong nước là rất quan trọng để bắt kịp công nghệ thành công.
Thực tế cho thấy, dù trong bối cảnh COVID-19, các ông lớn công nghệ trên thế giới đã chọn Việt Nam làm điểm đầu tư R&D như: Samsung xây dựng trung tâm R&D trị giá 220 triệu USD trong khi Qualcomm chọn Việt Nam là nơi đặt trung tâm R&D đầu tiên ở Đông Nam Á...
Sự tăng nhiệt đầu tư các trung tâm R&D của các tập đoàn lớn thế giới trong thời gian qua đã tạo ra môi trường để Việt Nam phân định rõ ràng hơn về sự lựa chọn của mình, trở thành công xưởng gia công hay trung tâm R&D? Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu tốt nhưng cũng sẽ mang đến nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong nước khi phải cạnh tranh trực tiếp với các công ty nước ngoài đã có nhiều tiềm lực.
Nguồn: www.chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • Thông qua Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 10 luật để khơi thông đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phòng chống COVID-19
- • Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19
- • Thủ tướng bổ nhiệm Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Việt Nam
- • Lễ công bố các Quyết định của Bộ trưởng Bộ KH&CN liên quan đến nhân sự Lãnh đạo của Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc
- • Thông báo về việc lùi thời gian tổ chức kỳ thi tuyển dụng công chức Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- • Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội
- • Thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại Khu CNC Hòa Lạc
- • Tổ chức các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID 19 tại các điểm ra vào Khu CNC Hòa Lạc
- • Công khai danh mục tài liệu dùng cho ôn tập và thi trong kỳ tuyển dụng công chức Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc năm 2021
- • Hỗ trợ học sinh, sinh viên nghề khởi nghiệp