Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thành đúng hạn 100% nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao

02:31 - 24/10/2017

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định như vậy tại buổi làm việc giữa Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN và công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sáng ngày 20/10/2017, tại Hà Nội.
 

Quyết liệt trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng

Tại buổi làm việc, ông Bùi Thế Duy – Chánh Văn phòng Bộ đã báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN (từ ngày 01/01/2017 đến ngày 10/10/2017) và về việc thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Quy chế tạm thời theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH&CN; thành lập Tổ Công tác đôn đốc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ để rà soát, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện chỉ đạo, nhiệm vụ được Lãnh đạo giao cho các đơn vị và báo các định kỳ hàng tháng với Lãnh đạo Bộ về kết quả và đưa ra đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với từng đơn vị.

Đồng thời, Bộ đã xây dựng, áp dụng phần mềm quản lý văn bản, quản lý nhiệm vụ để kịp thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện chỉ đạo, nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ giao. Kết quả triển khai nhiệm vụ của các đơn vị được coi là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và đánh giá kết quả thi đua, khen thưởng cuối năm.

Với việc triển khai các biện pháp nêu trên, hiện nay Bộ KH&CN không có nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao quá hạn chưa thực hiện. Tính đến ngày 10/10/2017, Bộ KH&CN được giao 403 nhiệm vụ. Trong đó, đã hoàn thành 245 nhiệm vụ; đang thực hiện 158 nhiệm vụ (đều trong hạn).

Về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ KH&CN đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu như: Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đẩy mạnh sang hậu kiểm, chỉ đạo tăng cường việc thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp, đánh giá tại cơ sở sản xuất nước ngoài đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN. Các giải pháp nêu trên đã thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp như: Giảm thời gian thông quan (trong thời gian 01 ngày hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan), giảm chi phí lưu kho, bãi, giảm thời gian chờ đợi kết quả đánh giá sự phù hợp.

Cụ thể, Bộ KH&CN đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 37/2017/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 về việc bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng. Việc bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg đã giúp giảm 114 loại sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 với tinh thần làm rõ cách thức công bố hợp quy dựa trên biện pháp tiền kiểm (kiểm tra trước thông quan), đặc biệt là biện pháp hậu kiểm (kiểm tra sau thông quan) để tạo khung pháp lý chung cho các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng những biện pháp quản lý cụ thể đối với từng nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ, ngành phụ trách. Đặc biệt làm rõ phương thức hậu kiểm, thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với một số nhóm sản phẩm hàng hóa (SPHH) có nguy cơ rủi ro thấp.

Bộ KH&CN cũng đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN để chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ KH&CN quản lý sang cơ chế hậu kiểm (cắt giảm từ 24 nhóm sản phẩm, hàng hóa, chiếm 100% nhóm sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan xuống còn 2 nhóm sản phẩm, hàng hóa là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) phải kiểm tra, chiếm 9%). Ước tính, khi áp dụng Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sẽ giúp cắt giảm khoảng 96% số lô hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN phải kiểm tra trước thông quan.

Cùng với đó, bổ sung quy định về miễn kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN đã quy định đối với hàng hóa nhập khẩu là thép, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện và điện tử nếu có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ do cùng một người nhập khẩu, sau 3 lần nhập khẩu liên tiếp trong 6 tháng, có kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ được cơ quan kiểm tra có văn bản xác nhận miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng trong thời hạn 1 năm.

Bộ đã thực hiện ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) trong ASEAN về thiết bị điện - điện tử (ASEAN EE MRA); ký kết các hiệp định và thoả thuận với Ucraina, Đài Loan, Cộng hòa Bê-la-rút, Hàn Quốc; thông báo thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của 2 tổ chức đánh giá sự phù hợp của Nhật Bản. Thúc đẩy các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện cơ chế thừa nhận kết quả kỹ thuật, chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp từ nước xuất khẩu đối với 42 tổ chức thử nghiệm.

Hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, giám định, chứng nhận, kiểm định) phục vụ cho việc kiểm tra chuyên ngành đã được Bộ KH&CN xã hội hóa theo đúng tinh thần của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017. Đến nay, Bộ KH&CN đã chỉ định 69 tổ chức đánh giá sự phù hợp để phục vụ quản lý nhà nước đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN.

Bộ KH&CN đã gửi văn bản đề nghị các Bộ, ngành tổ chức việc rà soát sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với các quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật An toàn thực phẩm; chủ động tổ chức việc tham gia rà soát độc lập của cộng đồng doanh nghiệp (VCCI, các Hiệp hội, các chuyên gia nghiên cứu độc lập).

KH&CN đã có sự chuyển động rất tốt
 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ KH&CN. 
 

Tại làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác cho biết, Bộ KH&CN là đơn vị thứ 38 được kiểm tra. Theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, năm 2017 là năm tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tháo gỡ các rào cản về kinh tế, đặc biệt Chính phủ hết sức quan tâm đến việc cắt giảm chi phí, thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các Bộ.

Tổ trưởng Tổ Công tác Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng rất tốt của cán bộ công chức, viên chức của Bộ KH&CN nói riêng, ngành KH&CN nói chung trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo đó, trong nhiệm kỳ mới của Chính phủ, Bộ KH&CN có rất nhiều đổi mới trong công tác điều hành, tổ chức. Nhiều nội dung lớn Bộ KH&CN đã đạt được với sự cố gắng và nỗ lực tốt, nổi bật nhất là việc Bộ đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nhiều chủ trương về phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo. Thị trường KH&CN ban đầu đã tạo được phong trào khởi nghiệp rất tốt, trong đó có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đã thu hút sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước tham gia.

Bộ KH&CN đã chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nội dung liên quan đến chức năng nhiệm vụ, đặc biệt là sự đánh giá của các tổ chức thế giới. Một trong những kết quả ấn tượng là Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã công bố Việt Nam tăng 12 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu về “Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu”. Bộ KH&CN đã có sự chuyển biến mạnh trong việc thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (I 4.0), thu hút nguồn nhân lực, nhân tài để thực hiện I 4.0. Đặc biệt, Tổ trưởng Tổ Công tác nhấn mạnh, Bộ cũng đã có nhiều đổi mới về tổ chức, bộ máy, giữ được đoàn kết, thống nhất, tạo ra sự chuyển động tốt của ngành KH&CN tại các cấp, các ngành, trung ương và địa phương.

Tổ trưởng Mai Tiến Dũng cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Bộ KH&CN trong việc đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm danh mục hàng hóa nhóm 2 trước thông quan, chuyển đổi 91% nhóm sản phẩm hàng hóa sang hậu kiểm.

“Bộ rất nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm, vừa qua Bộ đã chủ trì cùng 12 Bộ tổ chức Hội thảo 3 ngày tại tỉnh Vĩnh Phúc, qua đó cam kết giảm 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2, đồng thời cam kết chuyển mạnh từ tiển kiểm sang hậu kiểm, tăng cường công nhận lẫn nhau, áp dụng quản lý rủi ro”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh: Bộ KH&CN nghiêm túc quán triệt, triển khai ngay lập tức theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh thay mặt Bộ KH&CN cảm ơn các Bộ, ngành đã dành thời gian tham dự buổi làm việc và cho rằng, đây là cơ hội ghi nhận những nỗ lực quyết liệt của Bộ KH&CN trong thời gian vừa qua. Bộ trưởng khẳng định, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục lắng nghe và ghi nhận các phản hồi từ thực tiễn để tăng cường hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thể chế vướng mắc gì, cần tháo gỡ ra sao, Bộ KH&CN sẽ quyết liệt vào cuộc.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ cảm ơn về những đánh giá ghi nhận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thông qua đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng về việc chủ động tham mưu, một số hoạt động liên quan đến đổi mới sáng tạo, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và việc chủ động gắn kết chặt chẽ với các ngành để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Bộ KH&CN nhận thức được đây mới chỉ là bước đầu, sự nỗ lực đầu tiên của Bộ KH&CN và ngành KH&CN. Với sự động viên, ghi nhận này, Bộ KH&CN sẽ có thêm động lực mạnh mẽ để tiếp tục chặng đường chung bám sát theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng đã cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/NĐ-CP ngày 16/8/2017 về quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ KH&CN, từ quản lý Nhà nước về nghiên cứu khoa học và phát triển thêm nội dung quản lý Nhà nước về đổi mới sáng tạo. Theo đó, toàn bộ chính sách KH&CN phải lập tức đổi mới theo chỉ đạo của Thủ tướng, tức là hướng toàn bộ tri thức, kết quả nghiên cứu KH&CN gắn với thực tiễn cuộc sống với sự tham gia của các doanh nghiệp.

Bộ trưởng khẳng định, thông qua truyền đạt trực tiếp của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bộ KH&CN nghiêm túc quán triệt và triển khai ngay lập tức theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng, hiện hoạt động của Bộ KH&CN bám sát trên 3 mặt trận: Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ và đổi mới công nghệ. Trong đó, công tác kiểm tra chất lượng chuyên ngành về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ đang là “nhạc trưởng” của 3 Luật liên quan: Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn Kỹ thuật, Luật Đo lường, Luật Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa. Tuy nhiên, để thực hiện được vai trò “nhạc trưởng”, Bộ KH&CN mong muốn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan trong những chặng đường tiếp theo.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ mong muốn, sau buổi làm việc, Tổ Công tác sẽ có tham mưu với Thủ tướng Chính phủ để đôn đốc các bộ, ngành để thực hiện sự công nhận và thừa nhận lẫn nhau. Cùng với đó, tăng cường công tác xã hội hóa và rà soát, xử lý các vấn đề liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật.
 

Toàn cảnh buổi làm việc
 

Tại buổi làm việc, các thành viên Tổ Công tác (trong đó có các cơ quan, Hiệp hội: VCCI, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Quản lý Kinh tế trung ương, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô,…) và các Vụ chuyên ngành có liên quan của Văn phòng Chính phủ đã đặt ra những vấn đề cần tháo gỡ. Một số vấn đề được đưa ra như: Xây dựng tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế; siết chặt quy chuẩn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển;… Bộ KH&CN đã có những báo cáo, giải trình và cung cấp thông tin về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực, phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, Thủ tướng yêu cầu.

Các đại biểu tham dự cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới như Bộ KH&CN phải là người “cầm càng”, dẫn dắt vấn đề khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Việt Nam phải lấy chiến lược phát triển KH&CN làm trục chính, kinh tế phải gắn với khoa học, nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo để đáp ứng yêu cầu đặt ra; Nhà nước nên có chính sách ưu tiên đối với việc nhập nhẩu thiết bị phòng thí nghiệm, ví dụ như thiết bị công nghệ chiếu xạ; quản lý tốt hơn trong công tác xuất nhập khẩu các mặt hàng đặc biệt như thuốc;…

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đánh giá cao Bộ KH&CN trong việc dành rất nhiều công sức và thời gian, rà soát các cơ quan chức năng của Bộ để thực hiện, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016. Đánh giá về sự quyết liệt, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói “Với 403 nhiệm vụ được giao, Bộ đã thực hiện được 245 nhiệm vụ còn lại 158 nhiệm vụ đang trong thời hạn thực hiện. Như vậy, 100% nhiệm vụ Thủ tướng giao cho Bộ KH&CN đều thực hiện đúng tiến độ được giao. Đây là một nỗ lực của lãnh đạo và cán bộ công nhân viên của Bộ KH&CN”.  

Thông qua Tổ Công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ tiếp tục tập trung, nỗ lực triển khai một số vấn đề theo tinh thần đổi mới sáng tạo hơn nữa.  Thời gian tới, Bộ KH&CN cần tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế về KH&CN, thu hút nhân tài; phát triển mạnh mẽ thị trường KH&CN, phát triển công nghệ mới. Tạo chuyển biến trong các lĩnh vực công tác như sở hữu trí tuệ, đo lường, kiểm tra chất lượng; Bộ KH&CN là đơn vị được giao chủ trì, nên cần tham mưu mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử;… 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266