Cách mạng Công nghiệp 4.0: Cần hiểu đúng để áp dụng hiệu quả
Các chương trình đào tạo cần phải thay đổi về phương thức, nội dung, gắn thực hành với nghiên cứu cơ bản mới có thể đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động chất lượng cao.
Đó là một trong những nội dung được đem ra thảo luận tại buổi làm việc giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Công thương về tình hình triển khai tiếp cận với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Toàn cảnh buổi làm việc
Cần có cách hiểu thống nhất về Cách mạng Công nghiệp 4.0
Trao đổi về những khó khăn của Bộ Công thương khi triển khai I 4.0, đại diện Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp cho rằng, cần phải hiểu đúng và thống nhất về Cách mạng Công nghiệp 4.0. Thực tế cho thấy, hiện nay, mỗi nơi có một cách hiểu khác nhau. Việc hiểu đúng, thống nhất thì nguồn lực về tài chính, nhân lực sẽ tập trung và không bị dàn trải.
Trong khi đó, đại diện Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa, cho biết hiện đầu tư cho công nghệ chủ yếu do các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính vì vậy, quy mô đầu tư nhỏ, không đồng bộ nên khó tích hợp, nâng cấp công nghệ. Đặc biệt, vẫn còn phải phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài khi có sự cố.
Tại buổi làm việc, nguồn nhân lực cho Cách mạng 4.0 cũng được đưa ra thảo luận. Theo đó, các chương trình đào tạo cần phải thay đổi về phương thức, nội dung, gắn thực hành với nghiên cứu cơ bản. Hay nói cách khác, vấn đề đào tạo cần phải linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động chất lượng cao. Để làm được điều này, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.
Thí điểm xây dựng mô hình I 4.0
Chia sẻ về vấn đề nguồn lực đầu tư cho Cách mạng 4.0, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, cho rằng lâu nay, việc đầu tư mang tính chất quy mô, tầm nhìn dài hạn thì người ta nghĩ ngay đến Nhà nước. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Để tạo nguồn lực mạnh cho Cách mạng 4.0 còn đòi hỏi nguồn đầu tư của doanh nghiệp và xã hội. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu.
Hiện nay, Bộ Công thương đang trao đổi, thảo luận với một số Công ty, Viện Nghiên cứu, các tổ chức tư vấn để xác định nội dung và các dự án triển khai liên quan tới ứng dụng công nghệ của Cách mạng 4.0 vào doanh nghiệp trong thời gian tới.
Một số sản phẩm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa
Bên cạnh đó, trong năm 2018, 2019, Bộ Công thương cũng sẽ dự kiến triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích, đánh giá những công nghệ nền tảng của ngành logistics, thiết kế hệ thống tổng thể và xây dựng 1 kho thông minh phục vụ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực quản lý ngành logistics; Nghiên cứu và ứng dụng hệ thống ERP có tích hợp phần mềm PM; Quản lý quá trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, độ tin cậy, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm LED và điện tử, đáp ứng yêu cầu các thị trường xuất khẩu mục tiêu tại châu Âu, Bắc Mỹ…
Song song với đó, Bộ Công thương cũng đang chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm của ngành công nghiệp và thương mại để tổ chức triển khai phù hợp với xu thế phát triển của Cách mạng 4.0. Bộ cũng đang triển khai lựa chọn, đề xuất một số sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của ngành công nghiệp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: khampha.vn
Các bài viết khác
- • Big Data và cơ hội thành công của cộng đồng startup Việt
- • Việt Nam có 5 đại học lọt tốp đại học tốt nhất châu Á
- • Nhà mạng đầu tiên thanh toán cước qua mã vạch ma trận
- • Viettel sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
- • Nông nghiệp 4.0: ‘Nói ít hơn, làm nhiều hơn’
- • Công viên khoa học thúc đẩy năng lực cạnh tranh nền kinh tế quốc gia
- • Internet of Things (IoT): Xu hướng công nghệ của tương lai
- • Tiến tới nông nghiệp công nghệ cao thích ứng
- • Đoàn viên thanh niên Bộ KH&CN giao lưu thể thao tại Khu CNC Hoà Lạc
- • Khu CNC Hòa Lạc sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy du lịch thông minh