Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nền tảng công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) đem lại nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo "Đưa doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào thế giới cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phố hợp với Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US-ASEAN) tổ chức ngày 23/10, tại TP Hồ Chí Minh.
Ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc hợp tác với các công ty, tập đoàn đa quốc gia.
Tuy nhiên, để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng được những cơ hội này, Chính phủ Việt Nam phải tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp có điều kiện phát triển. Cụ thể, phải minh bạch hóa chính sách, xóa bỏ tình trạng quan liêu, cắt giảm tối đa chi phí thủ tục.
Theo ông Ted Osius, minh bạch chính sách không chỉ giúp doanh nghiệp trong nước tập trung nguồn lực tài chính, thời gian vào sản xuất kinh doanh mà còn giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài - những người tạo ra cơ hội kinh doanh và kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đòi hỏi Việt Nam phải từng bước cải cách nền giáo dục theo hướng đào tạo những sinh viên có đủ kiến thức, kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tế.
Về phía mình, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải có tầm nhìn, chiến lược xa hơn, xác định mục tiêu thị trường toàn cầu thay vì chỉ tập trung vào thị trường trong nước. Ông Michael W Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao US - ASEAN cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công ty, tập đoàn đa quốc gia có vai trò rất quan trọng trong việc phát huy lợi thế công nghệ và dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và thế giới.
Ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa bản địa chính là những mắt xích quan trọng trong việc hình thành chuỗi cung ứng cho tập đoàn lớn. Nếu các mắt xích hoạt động hiệu quả, các tập đoàn lớn sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian đầu tư. Chính vì vậy, hiện nay nhiều công ty đa quốc gia đang tích cực tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành một phần của chuỗi cung ứng thông qua các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh.
Nếu biết tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn về công nghệ, tài chính, tìm kiếm khách hàng để bước vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng quan điểm, ông Phạm Trần Anh, Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp và Đối tác Microsoft Việt Nam cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi với nền tảng công nghệ hiện đại, doanh nghiệp có thể sử dụng dễ dàng tiếp cận khối lượng dữ liệu khổng lồ về thị trường, khách hàng để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng đội ngũ nhân viên có khả năng sử dụng và khai thác các công cụ số hóa để nâng cao năng suất lao động, nắm bắt xu hướng và tạo ra sản phẩm có tính đột phá.
Ông Mã Xuân Tuấn, Giám đốc Công ty Kolati - một trong những doanh nghiệp đang cung ứng cho Coca - Cola Việt Nam chia sẻ, trước đây các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường nhìn nhận công nghệ là điểm yếu của mình, bởi doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có khả năng tài chính để đầu tư vào công nghệ, thiết bị hiện đại.
Tuy nhiên, với sự kết nối của các công ty đa quốc gia, doanh nghiệp nhỏ và vừa hoàn toàn có thể thừa hưởng công nghệ hiện đại với chi phí rất thấp và được hướng dẫn vận hành rất hiệu quả.
Tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp phải tuân thủ các cam kết về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, các giá trị mà tập đoàn đặt ra như trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường... Đó cũng chính là những tiêu chuẩn mà Kolati muốn theo đuổi để xây dựng thương hiệu và tạo nên giá trị khác biệt.
Theo ông Mã Xuân Tuấn, với sự hỗ trợ của các tập đoàn toàn cầu, công nghệ, thị trường không còn là thách thức lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chính là những vướng mắc về mặt chính sách, thủ tục hành chính. Chủ trương của Nhà nước là cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân, nhưng việc thực thi chính sách ở cấp cơ sở lại không đạt được hiệu quả như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Do đó, muốn doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, bên cạnh việc mở rộng hội nhập kinh tế, các cơ quan quản lý cần có giải pháp quyết liệt hơn trong việc minh bạch hóa và thống nhất việc thực hiện chính sách ở các cấp. Chỉ khi nào doanh nghiệp thoát cảnh chờ đợi các thủ tục, giấy phép thì mới có thể nắm bắt cơ hội kinh doanh và đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước.
Nguồn: TTXVN
Các bài viết khác
- • Đã tìm được thí sinh Việt Nam tham dự WeCode quốc tế năm 2017
- • Ngày hội giao lưu thể thao văn nghệ khối thi đua bộ Khoa học & Công nghệ
- • Khu CNC Hòa Lạc: Hoạt động chào mừng kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam
- • Cách mạng Công nghiệp 4.0: Cần hiểu đúng để áp dụng hiệu quả
- • Big Data và cơ hội thành công của cộng đồng startup Việt
- • Việt Nam có 5 đại học lọt tốp đại học tốt nhất châu Á
- • Nhà mạng đầu tiên thanh toán cước qua mã vạch ma trận
- • Viettel sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
- • Nông nghiệp 4.0: ‘Nói ít hơn, làm nhiều hơn’
- • Công viên khoa học thúc đẩy năng lực cạnh tranh nền kinh tế quốc gia