Việt Nam có 5 đại học lọt tốp đại học tốt nhất châu Á
Tổ chức xếp hạng QS vừa công bố kết quả xếp hạng đại học năm 2017 khu vực châu Á. Có 5 đại học, trường đại học của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng này.
ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM lọt TOP 150 đại học tốt nhất châu Á |
Năm nay, bảng xếp hạng đại học châu Á mở rộng từ 350 đến 400 trường, trong đó 250 trường thuộc tốp đầu được xếp theo thứ hạng và 150 trường còn lại được xếp vào các nhóm 251-260, 261-270… 291-300, 301-350 và 351-400.
ĐHQG Hà Nội dẫn đầu các trường đại học Việt Nam khi xếp thứ 139.
Các vị trí tiếp theo là ĐHQG TPHCM (tăng từ vị trí 147 lên 142), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (tăng từ nhóm 301-350 lên nhóm 291-300), Trường Đại học Cần Thơ (từ nhóm 251-300 xuống nhóm 301-350) và Đại học Huế (từ nhóm 301-350 xuống 351-400).
Như vậy, hai trường đại học quốc gia của Việt Nam đều nằm trong TOP 150 trường đại học hàng đầu châu Á theo bảng xếp hạng này.
Trước đó, năm 2016 trong bảng xếp hạng QS châu Á, ĐHQG Hà Nội đứng thứ 1 trong số các trường đại học Việt Nam cùng với ĐHQG TPHCM (đứng thứ 2), Đại học Cần Thơ (thứ 3), Đại học Huế (thứ 4) và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (thứ 5).
Ở thứ hạng trong khu vực, từ vị trí 191 trong top 200 đại học hàng đầu châu Á (2015), năm 2017, Đại học Quốc gia Hà Nội đã vươn lên thứ 139 trong top 150 đại học hàng đầu châu Á.
Được biết, bảng xếp hạng QS châu Á được đánh giá dựa trên các tiêu chí: Đánh giá của các nhà khoa học, đánh giá của nhà tuyển dụng; tỷ lệ sinh viên/giảng viên, số trích dẫn/bài báo khoa học, số bài báo/giảng viên; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ, tỷ lệ giảng viên quốc tế, tỷ lệ sinh viên quốc tế, tỷ lệ sinh viên đi trao đổi và tỷ lệ sinh viên đến trao đổi.
Theo GS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, mặc dù Việt Nam chưa có đại học lọt vào TOP 10, TOP 100, nhưng trong tổng số 25.000 trường đại học tham gia xếp hạng ở trên thế giới, với đầu tư như hiện nay, lọt được vào nhóm 1.000 cũng thuộc nhóm 4% của đại học thế giới. Tương tự như vậy, vị trí nhóm 250 châu Á của ĐHQG Hà Nội so với hơn 6.000 trường hiện có cũng đã vào nhóm 3%.
Mặt khác, theo GS. Đức, chỉ vài năm trước, xếp hạng đại học là vấn đề còn xa lạ với các đại học Việt Nam, nhưng một khi chúng ta hội nhập, tham gia cuộc chơi thì thứ hạng đã xuất hiện. Điều này cho thấy, nếu quan tâm đầu tư đầy đủ, đến ngưỡng chúng ta cũng có khả năng xây dựng được các đại học hàng đầu.
Nguồn: chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • Nhà mạng đầu tiên thanh toán cước qua mã vạch ma trận
- • Viettel sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
- • Nông nghiệp 4.0: ‘Nói ít hơn, làm nhiều hơn’
- • Công viên khoa học thúc đẩy năng lực cạnh tranh nền kinh tế quốc gia
- • Internet of Things (IoT): Xu hướng công nghệ của tương lai
- • Tiến tới nông nghiệp công nghệ cao thích ứng
- • Đoàn viên thanh niên Bộ KH&CN giao lưu thể thao tại Khu CNC Hoà Lạc
- • Khu CNC Hòa Lạc sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy du lịch thông minh
- • Nhanh chóng chuyển đổi số để thúc đẩy du lịch thông minh tại Việt Nam
- • Cần ưu tiên nhiều hơn cho xe buýt BRT