Biên bản ghi nhớ giữa Viện nghiên cứu quốc tế cây lương thực bán khô hạn-ICRISAT (Ấn Độ) và Khu công nghệ cao Hoà Lạc

23:10 - 02/05/2017

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc với Lãnh đạo các viện nghiên cứu, Khu công nghệ cao hàng đầu của Ấn Độ từ ngày 06 đến ngày 11 tháng 09 năm 2009 của Đoàn cán bộ Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, Ban quản lý Khu Nông nghiệp CNC Thành phố Hồ Chí Minh, do Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng dẫn đầu về các lĩnh vực công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp và dược phẩm, công nghệ tin học. Viện nghiên cứu Quốc tế cây lương thực bán khô hạn-ICRISAT (Ấn Độ) đã ký kết một biên bản ghi nhớ với Khu công nghệ cao Hoà Lạc.

( TS. Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng ban quản lý Khu CNC Hoà Lạc và TS. William D. Dar Tổng giám đốc Viện nghiên cứu Quốc tế cây lương thực bán khô hạn- ICRISAT tại Lễ ký kết)

ICRISAT là một tổ chức nghiên cứu Quốc tế năng động, phi lợi nhuận, phục vụ sự nghiệp phát triển khoa học nông nghiệp. Là một trong 15 thành viên của tổ chức tư vấn Quốc tế nghiên cứu nông nghiệp (CGIAR), ICRISAT hoạt động nhằm mở rộng hệ thống nông trang trong các khu vực khô hạn của các nước đang phát triển bằng sự phối hợp giữa các phương pháp quản lý nguồn lực tự nhiên và di truyền, bao gồm bảo tồn gen, tăng năng suất cho 5 loại cây lương thực chính, phổ biến tại các nước nghèo là: lúa mỳ, lạc, vừng, đậu tương và ngô. ICRISAT làm nhiệm vụ tạo cầu nối hình thành các nhóm nghiên cứu với các tổ chức của chính phủ, tư nhân, tổ chức phi lợi nhuận tại các nước đang phát triển, và liên hệ các nhóm này với các tổ chức nghiên cứu lớn trên toàn Thế giới.

ICRISAT và Khu công nghệ cao Hoà Lạc mong muốn và có ý định phát triển mối quan hệ và sự hợp tác trong nghiên cứu đào tạo và các hoạt động khác mà hai bên đã nhất trí bao gồm các nội dung: Cùng hợp tác để tiến tới thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao, phòng thí nghiệm tiên tiến trong lĩnh vự công nghệ sinh học tại Việt Nam. Hợp tác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam, khuyến khích các nhà nghiên cứu, quản lý của mỗi bên tham gia vào các hoạt động đào tạo, huấn luyện và các hoạt động khác cho cán bộ, nhân viên của bên còn lại. Sử dụng tất cả mọi nguồn nhân lực có được của hai bên để triển khai các hoạt động cùng nhất trí. Cùng trao đổi cơ hội tìm kiếm nguồn tài trợ thông qua hợp tác và cùng thực hiện các dự án. Cùng hợp tác để trao đổi các sinh viên xuất sắc của môi bên tham gia các dự án nghiên cứu hoặc chương trình đào tạo của bên kia. Khuyến khích hoạt động trao đổi ấn phẩm, tạp trí khoa học trên tinh thần tự nguyện và phù hợp với các quy định pháp luật về trao đổi thông tin tài liệu của cả hai Quốc gia.

Hai bên thống nhất bằng các hoạt động trao đổi, đi thăm của các nhà khoa học, sinh viên, cán bộ của hai bên đều phải tuân thủ đầy đủ các quy định về xuất nhập cảnh của Việt Nam-Ấn Độ.

Biên bản ghi nhớ này không có tính chất ràng buộc về mặt pháp luật cho các bên. Nó ghi nhận ý định hợp tác hiện thời của các bên. Trước khi các điều khoản trong bản ghi nhớ này có hiệu lực, và để chứng tỏ rằng hoạt động này là tuần theo pháp luật, hai bên cần trao đổi và ký kết các văn bản hợp tác cụ thể khác, quy định quyền lợi và trách nhiệm cụ thể của mỗi bên trên cơ sở trao đổi và thương lượng bình đẳng, hai bên cùng có lợi.

Hai bên nhất trí xem xét việc ký lại biên bản ghi nhớ này sau 5 năm kể từ ngày ký.

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266