11 tháng, cả nước thu hút 12,18 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) vừa công bố tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tháng 11 và 11 tháng năm 2012.
Theo đó, tính đến ngày 20/11, cả nước có 980 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,25 tỷ USD, bằng 60,4% so với cùng kỳ năm 2011. Cũng trong khoảng thời gian trên, có 406 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,92 tỷ USD, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2011.
Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 11 tháng đầu năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 12,18 tỷ USD, bằng 78,6% so với cùng kỳ 2011.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 431 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 8,5 tỷ USD, chiếm 69,8% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 11 tháng.
Tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 9 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,84 tỷ USD, chiếm 15,1%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa, với 169 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 465,6 triệu USD, chiếm 3,8%. Tiếp theo là lĩnh vực thông tin và truyền thông với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 403,4 triệu USD.
Trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta, Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 5,05 tỷ USD, chiếm 41,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2012. Singapore đứng vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,55 tỷ USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,086 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 2,28 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 18,8% tổng vốn đầu tư. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,14 tỷ USD, chiếm 9,4%. Đồng Nai đứng thứ 3 với 1,115 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Tiếp theo là Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 1,108 tỷ USD; 1,092 tỷ USD và 1,024 tỷ USD.
Một số dự án lớn được cấp phép trong 11 tháng qua có thể kể đến là: Dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD; dự án tăng vốn mở rộng sản xuất thêm 870 triệu USD của Công ty TNHH Wintek Việt Nam tại Bắc Giang và dự án của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại KCN Bắc Ninh với số vốn là 830 triệu USD; dự án Cty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone VN tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 574,8 triệu USD; dự án Công ty sản xuất toàn cầu LIXIL Việt Nam tại Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 441 triệu USD.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 11 tháng qua, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được khoảng 10 tỷ USD, bằng 99,5 % so với cùng kỳ năm 2011.
Nguồn: Chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư bền vững vào Việt Nam
- • Tập đoàn NEC và mong muốn tìm các đối tác phát triển kinh doanh
- • Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc khảo sát công trường thi công của các dự án
- • Chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án “Tổ hợp nghiên cứu và sản xuất các chế phẩm sinh học”
- • Trung tâm dịch vụ Hòa Lạc xanh
- • Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thăm và làm việc tại Khu
- • Hội nghị Hiệp hội khu công viên khoa học châu Á lần thứ 16
- • Các hoạt động của Đoàn công tác tại Nhật Bản
- • Đoàn cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ Lào thăm và làm việc với Khu công nghệ cao Hòa Lạc
- • “Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là điểm đến chiến lược cho các Nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam”