Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư bền vững vào Việt Nam

23:10 - 02/05/2017

Nếu trước đây doanh nghiệp Nhật Bản chỉ đầu tư tiền bạc để mở nhà máy sản xuất thì tới đây, họ sẽ chú trọng đầu tư chất xám, kinh nghiệm quản lý trong hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Tính đến hết tháng 10 năm nay, lượng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đứng đầu bảng, với 28,865 tỷ USD lũy kế và 4,92 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm tới nay, bên cạnh dự án tăng vốn đầu tư thêm 870 triệu USD của Wintek (Đài Loan) ở Bắc Giang, hay Dự án Nhà máy sản xuất điện thoại di động và đồ điện tử của Samsung tại Bắc Ninh, với vốn đăng ký 830 triệu USD, thì những dự án FDI lớn còn lại đều là của doanh nghiệp Nhật Bản. Điển hình là, Dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương (1,2 tỷ USD); Dự án Sản xuất lốp xe Bridgestone tại Hải Phòng (574,8 triệu USD) và Lixil Đồng Nai. Các dự án này đều đã khởi công xây dựng ngay sau khi được cấp chứng nhận đầu tư.

Mới đây nhất, ngày 22/11, Nhà máy sản xuất các sản phẩm khung, cửa, thiết bị ngoại thất bằng nhôm và nhựa... của Lixil (Nhật Bản) đã khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Long Đức (Đồng Nai).Với vốn đầu tư 441 triệu USD, đây là một trong những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn được cấp chứng nhận đầu tư kể từ đầu năm tới nay. Điều quan trọng hơn, việc Lixil khởi công xây dựng nhà máy trên chỉ sau hơn nửa năm được cấp chứng nhận đầu tư lại một lần nữa khẳng định tính khả thi và hiệu quả của dòng vốn FDI từ Nhật Bản.

Theo cơ quan xúc tiến đầu tư thì các doanh nghiệp Nhật cũng được xem là "người đi đầu" trong việc đưa vốn vào lĩnh vực chế biến - chế tạo, vốn đang được Việt Nam khuyến khích.

Theo đó, trong tổng số hơn 1.700 dự án FDI của Nhật tại Việt Nam hiện nay, có tới hơn 990 dự án hợp thuộc lĩnh vực này, với tổng vốn ước khoảng 23,3 tỷ USD (tương đương hơn 81%).

Vào trung tuần tháng 11, đoàn doanh nghiệp lớn của Nhật do Bộ Công thương Nhật (METI) và báo Mainichi tổ chức sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác, đồng thời chuẩn bị triển khai dự án Cool Japan của METI tại Việt Nam.

Ông Naoyuki Kawagoishi - Phó Giám đốc dự án Cool Japan cho hay, đây là dự án đưa những sản phẩm, ngành nghề, kỹ thuật tinh túy nhất của các vùng miền nước Nhật ra thế giới. Nó khác với việc đầu tư ra nước ngoài của các DN Nhật Bản trước đây ở chỗ không phải đầu tư một chiều, mà Nhật Bản sẽ hợp tác với doanh nghiệp nước sở tại để bán sản phẩm Nhật Bản tại nước đó theo tiêu chí hai bên cùng có lợi.

Nếu như trước đây doanh nghiệp Nhật Bản chỉ đầu tư tiền bạc vào Việt Nam để mở nhà máy sản xuất thì tới đây, họ sẽ chú trọng đầu tư chất xám, kinh nghiệm quản lý trên lĩnh vực dịch vụ cùng với doanh nghiệp Việt Nam. Khi hợp tác, hai bên cùng học hỏi lẫn nhau và đưa những gì tinh túy nhất vào sản phẩm thì hiệu quả sẽ tốt hơn, lâu bền hơn.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266