Nhiều nhà đầu tư mới đang nhắm đến Việt Nam

23:10 - 02/05/2017

TS. Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (MPI)"Doanh nghiệp Trung Đông, Mỹ và châu Âu có khả năng trở thành những đối tác lớn của Việt Nam, bên cạnh các nhà đầu tư truyền thống từ châu Á", ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định.

- Trong những tháng đầu năm, Mỹ dẫn đầu về nguồn vốn đăng ký. Ông nghĩ sao về khả năng có sự thay đổi về thứ hạng những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam?

- Trước nay, nhà đầu tư phần nhiều là từ các nước và lãnh thổ châu Á như Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan. Vốn đăng ký từ doanh nghiệp Mỹ trong 5 tháng đầu năm tăng mạnh và họ trở thành đối tác lớn nhất do có một dự án lớn tăng vốn tại phía Nam. Hiện cũng chưa thể khẳng định đã có tín hiệu là đầu tư từ Mỹ sẽ nhảy vọt và họ trở thành đối tác lớn nhất.

Tôi vừa xúc tiến đầu tư từ Thụy Sĩ về và thấy rằng doanh nghiệp ở đây rất quan tâm đến Việt Nam. Trong thời gian qua nhiều đoàn từ Đức, Pháp, Thụy Sĩ dồn dập sang để tìm hiểu. Có thể họ thấy Việt Nam có tiềm năng, và họ cũng đang tìm những điểm đầu tư mới như một lối thoát an toàn cho nguồn vốn. Hiện các nhà đầu tư châu Á cũng đang đẩy mạnh đầu tư. Hy vọng trong các năm tới, sẽ có nhiều đối tác có khả năng trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

- Còn về khả năng thu hút các nhà đầu tư Trung Đông, những người tỏ ra rất quan tâm đến khu vực duyên hải miền Trung, thưa ông?

- Một số dự án nhỏ của các nhà đầu tư Trung Đông đã được cấp phép và bắt đầu triển khai. Còn các dự án lớn đang được xem xét, trong đó có các khu đô thị lớn. Việc cấp phép các khu đô thị cần phù hợp với quy hoạch, vì hiện quản lý các khu đô thị cũng là một điểm nóng ở Việt Nam. Chúng ta cũng không nên gấp rút cấp phép cho các dự án này. Nhà đầu tư từ Trung Đông là các đối tác mới và nhiều tiềm năng, và chúng tôi đang tập trung để thu hút. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập cơ quan xúc tiến đầu tư tại Trung Đông.

- Trong những tháng đầu năm, nền kinh tế có dấu hiệu khan hiếm ngoại tệ. Ông đánh giá như thế nào về mối liên quan tới việc giải ngân vốn FDI những tháng qua rất thấp?

- Trong 5 tháng đầu năm, ước tính số vốn FDI giải ngân được là 2,8 tỷ USD, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Cả năm 2008 Việt Nam giải ngân được 11,5 tỷ USD, trừ đi phía Việt Nam thì vốn từ phía nhà đầu tư nước ngoài là 10 tỷ USD. Nhưng việc tạm thời thiếu hụt ngoại tệ có nhiều nguyên nhân, ví dụ liên quan đến thanh toán quốc tế, chứ không chỉ giải ngân chậm.

Theo kế hoạch, vốn giải ngân của năm nay là 9 tỷ USD, và vẫn có khả năng bằng năm ngoái. Nhưng việc thực hiện như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào phía Việt Nam, bởi rào cản lớn nhất vẫn là các thủ tục chậm trễ. Đây là thực tiễn từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để. Nếu có thêm nhiều đất “sạch” thì giải ngân sẽ nhanh hơn.

- Hiện rất nhiều dự án lớn được cấp phép rồi "án binh bất động". Ông nghĩ sao về những rủi ro khi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế, trong khi con số đăng ký lại quá cao?

- Với Việt Nam hiện nay, vốn đăng ký 20-25 tỷ USD và nền kinh tế hấp thụ được 10 tỷ USD là phù hợp với cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực trong nước. Theo tôi, khoảng cách giữa vốn đăng ký và giải ngân khoảng 15-20 tỷ USD là hợp lý. Mức chênh lệch như năm 2008 với 64 tỷ USD đăng ký và 11,5 tỷ USD giải ngân đúng là quá lớn.

Nhưng xét ở một khía cạnh khác, đó cũng là điều đáng mừng. Các dự án được cấp phép trong năm 2008 phần nhiều là dự án lớn trong trung và dài hạn. Như vậy, Việt Nam có các dự án “của ăn của để”, như một cách dự trữ cho các năm sau. Hơn nữa, với các dự án lớn và dài hơi như lọc hóa dầu Nghi Sơn, không phải dự án nào Việt Nam có đủ lực để thực hiện.

Nguồn: vnexpress.net

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266