Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển KT-XH

23:10 - 02/05/2017

Phát triển mạnh nguồn nhân lực công nghệ thông tin là nhân tố then chốt quyết định việc phát triển và ứng dụng CNTT của quốc gia, phấn đấu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trong những nước cung cấp nhân lực CNTT chất lượng cao cho các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Kinh phí dự kiến từ nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho Kế hoạch tổng thể giai đoạn 2009-2015 là 900 tỷ đồng.

Mục tiêu kế hoạch là đến năm 2015, Việt Nam có khoảng 30% số lượng sinh viên CNTT, điện tử, viễn thông sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế; đảm bảo 100% học sinh trung cấp chuyên nghiệp và học nghề được đào tạo các kiến thức và kỹ năng ứng dụng về CNTT; 100% học sinh trung học cơ sở và 80% học sinh tiểu học được học tin học. Cũng vào giai đoạn năm 2015, 65% số giáo viên có đủ khả năng ứng dụng CNTT để hỗ trợ cho công tác giảng dạy, bồi dưỡng. Đến cuối năm 2015, 100% giảng viên đại học, cao đẳng, giáo viên dạy nghề, sinh viên... có máy tính dùng riêng.

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng chú trọng nội dung bồi dưỡng về chuyên môn CNTT cho các cán bộ lãnh đạo quản lý ở các Bộ, ngành, địa phương.

Định hướng phát triển CNTT giai đoạn năm 2020, 70% lao động trong các doanh nghiệp được đào tạo về CNTT; trên 90% giảng viên đại học và trên 70% giáo viên cao đẳng về CNTT có trình độ từ thạc sĩ trở lên, trên 30% giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ.

Cũng vào giai đoạn này, toàn bộ học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông và các cơ sở giáo dục khác được học ứng dụng CNTT.

Để triển khai tốt các nhiệm vụ trên, có 9 biện pháp căn bản được áp dụng: Trước hết là đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp, quy trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực CNTT; mở rộng quy mô, hình thức đào tạo CNTT; tăng cường xã hội hóa công tác phổ cập tin học cho toàn xã hội; tăng cường đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực CNTT; tăng cường dạy tiếng Anh và dạy CNTT bằng tiếng Anh và các ngoại ngữ khác; sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong giảng dạy, đào tạo; phát triển mạng giáo dục (EduNet); đẩy mạnh dạy tin học và ứng dụng CNTT trong trường phổ thông.

Bên cạnh đó còn giải pháp khác như xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ khoa học công nghệ trong nước và chuyên gia Việt kiều nước ngoài về CNTT, tổ chức các diễn đàn trao đổi về đào tạo nhân lực CNTT, liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp CNTT và các tổ chức kinh tế khác.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266