Lọc nước biển thành nước ngọt tinh khiết

23:10 - 02/05/2017

Từ bao đời nay, những người lính giữ đảo, những người dân sống trên các đảo, vùng ven biển hay những ngư dân hành trình dài ngày theo các tàu đánh cá đều canh cánh nỗi lo thiếu nước ngọt. Ngay trong thời đại văn minh hiện nay, mọi người đều mơ ước: Một ngày nào đó sẽ biến nước biển thành nước ngọt!

Điều tưởng chừng như không thể ấy đã trở thành hiện thực nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật thế giới đang được ứng dụng tại Việt Nam…

Trăn trở cùng người lính đảo xa!

Trong chuyến ra công tác tại Trường Sa mới đây, tôi đã chứng kiến một nghịch lý… ngàn đời, đó là giữa mênh mông biển nước mà quân và dân huyện đảo vẫn phải thường xuyên chịu cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng. Nhớ hôm đến xã đảo Sinh Tồn, Chủ tịch UBND xã Dương Đức Hân nói với tôi: “Đã 6 tháng nay, đảo không có mưa, lượng nước ngọt dự trữ từ đất liền chuyển ra cứ cạn dần. Chúng tôi lo quá!”.


Nguồn nước trên huyện đảo Trường Sa chủ yếu được mang từ đất liền ra.

(trong ảnh: Vận chuyển nước ngọt lên đảo Cô Lin).

Gặp chiến sĩ Hà Anh Tuấn, công tác tại Ban Hậu cần của đảo Sinh Tồn A, anh thật thà nói: “Em kể anh đừng cười, nếu tắm bằng nước mặn mà không tráng qua nước ngọt thì người nhớp nháp khó chịu lắm. Mà tráng qua bằng nước ngọt thì… tiếc lắm. Vì vậy, bọn em luôn quán triệt kỹ, phải tiết kiệm triệt để, kể cả chấp nhận thành người… kém tắm”. Nói rồi Tuấn quay mặt về phía đất liền: “Anh ơi! Em nghe nói chúng ta đang nghiên cứu ra máy lọc nước mặn thành nước ngọt phải không? Vậy bao giờ thành công cho bọn em đỡ khổ”.

Tôi cũng thấy nghèn nghẹn. Thương lắm - người lính đảo xa!

Về đất liền, tôi đã cố lục tìm trên mạng internet, qua sách báo, tài liệu để tìm hiểu về công nghệ này, song thông tin còn quá ít ỏi. Đau đáu với đề tài mình định viết nhưng tôi thực sự… bí! Đúng vào thời điểm định “bỏ cuộc”, thì mới đây, vào một buổi sáng, Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, bảo tôi: “Cậu liên hệ với anh Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Nghe nói bên ấy đã nhập công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt để ứng dụng tại Việt Nam. Nếu khai thác đủ tư liệu thì viết bài cung cấp sớm thông tin cho bạn đọc hiểu thêm. Đây là vấn đề rất thiết thực đối với các đảo, nhất là Trường Sa”.

Rất may, sau khi tôi liên hệ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng không chỉ cung cấp tư liệu, mà hứa sẽ trực tiếp đến Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân nói rõ hơn về vấn đề này.

Và chiều qua (13-9), những cán bộ chủ chốt của Tòa soạn và đại diện các phòng biên tập của Báo Quân đội nhân dân đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng. Ông đã giới thiệu chi tiết một thiết bị công nghệ tiên tiến nhất hiện nay đó là: Lọc nước biển (hoặc nước lợ, nước sông nhiễm bẩn) thành nước ngọt tinh khiết, có thể uống ngay!

Công nghệ “thẩm thấu ngược”

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng, trong những năm qua, các nhà khoa học Việt Nam đã dành nhiều thời gian nghiên cứu vấn đề biến nước biển thành nước ngọt phục vụ nhu cầu nước ngọt của hải đảo, biên giới, các tàu đánh cá xa bờ... Tuy nhiên, đến nay kết quả chưa như mong muốn. Chính vì vậy, trước yêu cầu cấp thiết trong việc đưa những tiến bộ khoa học trên thế giới ứng dụng tại các vùng biển đảo Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động nghiên cứu, lựa chọn và cuối cùng quyết định liên hệ với các đối tác để nhập khẩu thiết bị này từ I-xra-en. Một công ty có kinh nghiệm 28 năm trong lĩnh vực này, nhiều năm nay chuyên cung cấp các thiết bị lọc nước cho quân đội Liên hợp quốc đã giới thiệu và tiến hành các hoạt động khảo sát, thử nghiệm sử dụng thiết bị này tại Việt Nam.

Trên thế giới hiện có ba phương pháp lọc nước biển thành nước ngọt. Đó là phương pháp lọc đa tầng (dùng các hoạt chất than, cát, sỏi… để lọc), phương pháp chưng cất (giống như nấu rượu) và phương pháp “thẩm thấu ngược”. Hai phương pháp lọc đa tầng và chưng cất không hiệu quả, bởi khối lượng nước ngọt thu được không nhiều. Chỉ có phương pháp “thẩm thấu ngược” trong các thiết bị lọc là công nghệ phổ biến, ưu việt nhất trên thị trường về hiệu quả lọc nước và khả năng ứng dụng tại Việt Nam.

Vậy, công nghệ “thẩm thấu ngược” là gì?

Mô hình một thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt do hãng ODIS (I-xra-en) sản xuất.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng giải thích: “Màng thẩm thấu ngược dùng công nghệ nano (RO) có vai trò như là màng ngăn đối với muối hòa tan, ngăn các phân tử vô cơ, các phân tử hữu cơ có trọng lượng phân tử lớn hơn 100. Mặt khác, phân tử nước khi đi qua màng lọc sẽ hình thành nên nguồn nước tinh khiết, khử được từ 95 đến hơn 99% lượng muối hòa tan. “Nước ngọt sau khi được lọc từ nước biển là loại nước tinh khiết có thể uống không khác gì nước lọc đóng chai mà chúng ta vẫn thường dùng. Giá thành khoảng 30.000 đ/m3” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng cho biết.

Theo những tài liệu mà Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng cung cấp, thiết bị lọc nước này hoạt động theo nguyên tắc: Bơm cao áp đẩy dòng nước biển lên khoang lọc, dòng nước biển sẽ bị nén lại và tiếp tục được bơm vào hệ thống mô-đun. Mỗi mô-đun có chứa các khoang và bộ phận màng lọc. Nước biển sẽ được phân tách thành các sản phẩm có hàm lượng muối thấp hơn. Dưới áp lực, nước sẽ đổ vào các khoang thông qua những đường ống dẫn nối quanh các bộ phận. Dòng nước sẽ chảy vào các bộ phận tiếp theo và cuối cùng đổ vào van tập trung. Tại đây, áp suất sẽ được giải phóng... Lượng nước có chứa muối tại mỗi bộ phận sẽ được phân bổ vào đường ống chung, nằm ở vị trí giữa mỗi bộ phận xoay và sẽ đổ vào đường ống bên ngoài khoang nén. “Qua thực tiễn sử dụng từ các nước, đặc biệt là trong Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nước mặn không chỉ trở thành nước ngọt, mà các chất gây ô nhiễm như chất sinh học, ô-xít kim loại, các chất rắn, chất muối, chất thải, các chất keo… cũng sẽ được xử lý ở màng ngăn” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng giải thích.

Có đúng nước ngọt sau khi lọc đã thực sự tinh khiết? Câu hỏi này được trả lời qua Phiếu xét nghiệm nước của Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội (Cục Quân y) do Đại tá Nguyễn Xuân Thành, Viện trưởng, ký ngày 9-8-2010. Theo đó, tất cả 14 chỉ tiêu xét nghiệm hóa, lý học nguồn nước biển (trở thành nước ngọt) như màu, mùi vị, độ ô-xy hóa, chì, thủy ngân, asen, clorua, sắt… đều bảo đảm độ an toàn cao. Đánh giá chung, mẫu nước đạt theo quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT.

Sẽ có chương trình “nước ngọt đảo xa”

Hẳn nhiều người sẽ băn khoăn về giá cả, phương thức lắp đặt - vận hành, phụ tùng bảo dưỡng, nguồn năng lượng cung cấp cho thiết bị “biến nước mặn thành nước ngọt”?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng giải thích: Thiết bị lọc nước này khá gọn nhẹ, dễ vận chuyển, lắp đặt đơn giản. Giá nhập khẩu nguyên chiếc loại công suất cao nhất (đạt 60m3 nước ngọt/ngày) hơn 60.000 đô-la; loại nhỏ nhất (đạt công suất khoảng 24m3 nước ngọt/ngày) hơn 45.000 đô-la. Nguồn năng lượng để sử dụng máy có thể bằng điện lưới, bằng máy phát điện chạy xăng hoặc dầu đi-ê-zen. “Trong tương lai, phía đối tác nước ngoài sẽ tiến hành xây dựng một nhà máy sản xuất thiết bị này tại Việt Nam, chắc chắn giá thành sẽ thấp hơn. Chúng tôi cũng đang tính đến phương án, tại các hải đảo, chúng ta có thể trang bị các máy phát điện năng lượng gió, vừa tiết kiệm được nguyên liệu, vừa giảm ô nhiễm môi trường” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng bày tỏ.

Chúng tôi được biết, sau khi biết Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp nhận thiết bị công nghệ mới này từ I-xra-en, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định mua một thiết bị để tặng cho quân và dân đảo Trần (hiện đang triển khai lắp đặt); Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng quyết định mua tặng cho quân và dân xã đảo Sinh Tồn một thiết bị, và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ xin đăng ký tặng cho một đơn vị ngoài đảo.

Tiến sĩ - Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng và Thiếu tướng, Tổng biên tập Lê Phúc Nguyên đã thống nhất: Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ và Báo Quân đội nhân dân sẽ thảo luận để phối hợp thực hiện chương trình “Nước ngọt đảo xa”. Theo đó, sẽ kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ quân và dân các huyện đảo có được những thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt.

Chúng tôi nghĩ rằng, đầu tư các trạm lọc nước biển cho các đảo là việc làm nghĩa tình, thơm thảo và cần thiết để cuộc sống quân và dân đảo xa bớt phần khó khăn, thiếu thốn.


Nguồn: Qdnd.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266