Khoa học và Công nghệ phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển KT-XH

23:10 - 02/05/2017

Khoa học và Công nghệ phải thực sự đi vào cuộc sống, đồng thời phải trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và đủ mạnh để phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

(Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm 50 thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ)

Sáng 10/1, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập và đón nhận Huân chương Sao Vàng.

Tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi lẵng hoa chúc mừng.

Khoa học-Công nghệ đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội

50 năm qua, ngành Khoa học - Công nghệ (KHCN) đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Hoạt động KHCN đã gắn với công tác quản lý kinh tế-xã hội, chú trọng tới tính hiệu quả, hướng tới doanh nghiệp, thị trường và khẳng định được vai trò trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, từ năm 1986 tới nay, quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới của Đảng, Bộ KHCN đã tham mưu, đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng các đường lối, chủ trương về phát triển KHCN của Đảng và Nhà nước.

(Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: KHCN phải thực sự đi vào cuộc sống)

Trong nông nghiệp, KHCN đóng vai trò to lớn về lai tạo, nhân giống cây trồng mới nhằm tăng năng suất và thay thế giống cây trồng ngoại nhập. Các nhà khoa học đã chọn và tuyển được gần 170 giống lúa mới, trong đó có nhiều giống lúa chịu được phèn, chua, mặn; góp phần mở rộng diện tích trồng lúa, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong công nghiệp, KHCN có những đổi mới, cải tiến công nghệ ở các các lĩnh vực, qua đó, Việt Nam đã tự chủ, sản xuất được nhiều loại thiết bị cơ khí chính xác, thiết bị siêu trường, siêu trọng…

KHCN cũng góp phần nâng trình độ y học của Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã chủ động sản xuất được 9/10 loại vaccine phục vụ tiêm chủng mở rộng, giảm tỉ lệ mắc và tử vong đối với nhiều bệnh như bại liệt, viêm não…

Hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN của nước ta ngày càng được mở rộng. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác về KHCN với các đối tác của trên 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế; là thành viên chính thức và không chính thức của gần 100 tổ chức quốc tế và khu vực về KHCN.

KHCN là nền tảng và động lực thúc đẩy CNH-HĐH

Nhấn mạnh vai trò của KHCN trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Đảng và Nhà nước khẳng định: “KHCN cùng với giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”. Vì vậy, bằng mọi cách phải đưa KHCN thực sự đi vào cuộc sống, đảm bảo KHCN phải là lực lượng sản xuất trực tiếp và đủ mạnh để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

(Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng gắn Huân chương Sao Vàng lên lá cờ truyền thống của Bộ Khoa học và Công nghệ)

Ngành KHCN cần sớm khắc phục một số hạn chế trong thời gian tới, đó là trình độ công nghệ của Việt Nam còn chưa cao; đóng góp của yếu tố công nghệ, tri thức vào từng sản phẩm còn hạn chế; KHCN chưa phát triển tương xứng với tiềm năng…

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ KHCN tổng kết thực tiễn để tiếp tục bổ sung cho chiến lược phát triển ngành KHCN.

Theo đó, cần tăng cường đầu tư phát triển KHCN và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời đặc biệt chú trọng tới việc đãi ngộ, tôn vinh những nhà khoa học có những đóng góp lớn cho đất nước.

Ngành KHCN tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện và phát triển thị trường công nghệ; tập trung chuyên sâu hoạt động nghiên cứu khoa học; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… trên nền tảng của KHCN; đổi mới ứng dụng công nghệ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực nhằm tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Cùng với đó, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KHCN, đặc biệt là việc tiếp cận, cải tiến các sản phẩm KHCN của các nước phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất và phát huy hiệu quả vai trò của các quỹ phát triển KHCN.

Bộ KHCN tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 4/3/1959 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bộ KHCN là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KHCN, bao gồm: hoạt động KHCN; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân...

Nguồn: Chinhphu.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266