Kết quả bước đầu của một dự án khoa học

14:40 - 14/05/2017


Dây chuyền sản xuất Nacumin tại Trung tâm phát triển Công nghệ cao (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

 

Từ một dự án hợp tác, các nhà khoa học Việt Nam và Vương quốc Anh đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm chiết xuất từ củ nghệ vàng bằng công nghệ xanh hóa học có tên Nacumin. Để có nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng, dự án đã triển khai và chuyển giao cho nông dân quy trình trồng nghệ theo tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO). Sau hai năm triển khai tại Bắc Giang, mô hình này đã cho những kết quả rất triển vọng.

“Nghệ con ong” có hàm lượng curcumin cao

Trong số những hộ gia đình thử nghiệm trồng nghệ theo tiêu chuẩn GACP-WHO của huyện Lục Nam, Bắc Giang, gia đình ông Nguyễn Văn Vững, thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn thu được năng suất cao nhất. Trên diện tích bảy sào ruộng, với năng suất 1,9 tấn/sào Bắc Bộ (360 m2), gia đình ông thu được gần 14 tấn nghệ. Nghệ được dự án thu mua với giá tám nghìn đồng/kg, hỗ trợ phân bón, tư vấn kỹ thuật. Trong chín tháng trồng nghệ, gia đình ông thu được hơn 100 triệu đồng, lợi nhuận thu lại cao gấp từ bốn đến năm lần so với trồng hoa màu. 

Nhiều hộ dân khác ở xã Mỹ Hà và Bảo Sơn (Lục Nam) tham gia dự án thử nghiệm trồng nghệ trên các loại đất như đất vườn, đất ruộng và đất đồi cũng khẳng định, trồng nghệ chăm sóc đơn giản, chi phí đầu tư thấp và sẽ mở rộng diện tích trồng trong vụ mới này. Dự án “Xây dựng mô hình trồng nghệ theo hướng GACP và phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất để chiết xuất curcumin từ củ nghệ làm thực phẩm chức năng và một số sản phẩm có giá trị cao từ cây nghệ tại Bắc Giang” được Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội (TTNCT và CB cây thuốc Hà Nội) và Công ty TNHH Techbifarm - Khu CNC Hòa Lạc triển khai từ năm 2015. Mô hình được triển khai tại huyện Lạng Giang và Lục Nam (Bắc Giang), tổng kinh phí đầu tư hơn bảy tỷ đồng, thực hiện đến năm 2018. 

Thạc sĩ Trần Thị Lan (TTNCT và CB cây thuốc Hà Nội) cho biết, dự án hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch nghệ cho người dân tham gia dự án. Giống được lấy từ giống nghệ vàng Bắc Giang và Quảng Ninh để đưa vào trồng thử nghiệm. Từ 1 ha thử nghiệm, năm 2016, đơn vị mở rộng diện tích mô hình trồng nghệ vàng lên 6 ha tại huyện Lục Nam, Lạng Giang. Bước đầu đánh giá hiệu quả đầu tư kinh tế theo thực nghiệm và tính toán từ vùng trồng nghệ cho thấy, sau khi trừ các chi phí, tùy mô hình đất ruộng, đất vườn hay đất đồi, trên mỗi héc-ta người nông dân thu lãi từ khoảng 85 đến 156 triệu đồng. 

Theo TS Hồ Văn Khánh (Viện Hóa học), các nhà khoa học đã tiến hành phân tích đánh giá hàm lượng curcumin trong hai giống nghệ được trồng thử nghiệm tại Bắc Giang trong hai giai đoạn: giai đoạn một trồng thử nghiệm trên quy mô nhỏ (1 ha, vụ năm 2015) và giai đoạn hai trên quy mô lớn hơn (7 ha, vụ năm 2016). Kết quả cho thấy giống nghệ bản địa Bắc Giang (ký hiệu giống con ong) cho hàm lượng curcumin ổn định và cao hơn, đạt từ 3,17 đến 3,33%. Trong khi đó giống nghệ Quảng Ninh chỉ đạt với hàm lượng curcumin là 2,6 đến 2,8%. Phân tích hàm lượng curcumin của giống nghệ con ong trồng theo hướng GACP-WHO tại Bắc Giang vào năm thứ hai (vụ năm 2016) cũng cho thấy hàm lượng curcumin trên củ nghệ trồng ở khu vực đất đồi cao nhất, đạt 3,33%. Kết quả chiết xuất và tinh chế curcumin từ nguyên liệu nghệ trồng tại Bắc Giang qua hai mẻ (quy mô một tấn nghệ khô/mẻ), thu được là 23,3 kg curcumin/mẻ và 24,5 kg curcumin/mẻ, curcumin đạt độ tinh khiết 95%.

Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn 

Dự án nêu trên là một phần mục tiêu của Dự án phát triển toàn diện cây nghệ ở Việt Nam. Đây là dự án hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và Vương quốc Anh nhằm nghiên cứu các giải pháp tổng thể để phát triển các sản phẩm có chất lượng cao từ cây nghệ của Việt Nam. TS Dương Ngọc Tú (Viện Hóa học), Phó Giám đốc kiêm điều phối viên Trung tâm nghiên cứu xuất sắc liên ngành về lĩnh vực các hợp chất thiên nhiên Việt Nam - Vương quốc Anh, Chủ nhiệm dự án cho biết, hiện nay, các nhà khoa học hai nước đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm tinh chất nghệ curcumin tự nhiên siêu hòa tan có kích thước na-nô được sản xuất theo công nghệ hóa học xanh. Công nghệ này loại trừ dung môi hóa học mà chỉ sử dụng dung môi tự nhiên an toàn, thân thiện với môi trường trong chiết xuất. Việc thay đổi công nghệ chiết xuất theo xu thế của các nước phát triển trên thế giới là nền tảng để có thể đưa sản phẩm từ củ nghệ vàng Việt Nam xâm nhập vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Anh... Bên cạnh đó, cách bào chế cũng có nhiều thay đổi nhằm tăng khả năng hòa tan của curcumin, tăng sinh khả dụng nhưng vẫn giữ được bản chất cấu trúc, mầu sắc, mùi vị đặc trưng của curcumin tự nhiên. Sản phẩm tinh chất nghệ siêu hòa tan mang tên Nacumin đã được đăng ký thương hiệu ở Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) và được Bộ Y tế cấp phép để đưa ra thị trường. Những sản phẩm phụ nhằm tận dụng nguồn phế phẩm sau khi chiết xuất curcumin như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ vi sinh đã được nghiên cứu và cho kết quả khả quan.

Theo Phó trưởng Phòng quản lý Khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang Lương Vũ Thắng, những đánh giá khoa học ban đầu cũng là cơ sở để các xã tạo vùng quy hoạch sản xuất tập trung cho cây nghệ, phấn đấu đến năm 2017 quy mô đạt 7 ha, năng suất đạt 18 đến 20 tấn/ha. Đồng thời, sở cũng đề nghị các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sớm xây dựng xưởng sơ chế nghệ và hệ thống thiết bị chiết curcumin thô quy mô một tấn nguyên liệu nghệ khô/mẻ (tương đương 20 đến 25 kg curcumin/mẻ) tại địa phương để giảm chi phí sản xuất cũng như tạo điều kiện thuận lợi thu mua nguyên liệu cho bà con nông dân.

Ngoài ra, dự án còn góp phần phát triển giống nghệ vàng bản địa tại Bắc Giang, duy trì, bảo tồn nguồn gien giống cây trồng quý hiếm, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững. Tuy nhiên, để xây dựng vùng nguyên liệu trồng nghệ theo tiêu chuẩn GACP - WHO đòi hỏi việc giám sát kỹ thuật cần chặt chẽ hơn. Có như vậy, vùng nguyên liệu mới đạt chất lượng tiêu chuẩn như kỳ vọng. Thêm vào đó, nông dân cũng trăn trở, mong được liên kết lâu dài với doanh nghiệp, để có đầu ra cho sản phẩm. 

Nói về triển vọng của dự án, TS Dương Ngọc Tú khẳng định, sau khi dự án kết thúc, mô hình trồng, sơ chế và sản xuất curcumin làm thực phẩm chức năng và các sản phẩm khác từ nghệ vàng (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) vẫn được duy trì và nhân rộng để tạo thành vùng sản xuất nguyên liệu ổn định phục vụ nhà máy sơ chế, chế biến nghệ, chiết xuất curcumin thô, tinh chế curcumin, sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Nacumin), và sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nghệ. Toàn bộ sản phẩm sẽ được Công ty Techbifarm thu mua nghệ tươi, sơ chế, kiểm soát cũng như công bố tiêu chuẩn chất lượng và chế biến theo hướng áp dụng GACP với các đối tác trong nước và nước ngoài. Đây có thể coi là thành công bước đầu từ một dự án có sự hợp tác giữa bốn nhà: nhà khoa học, nhà nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước. 

Nguồn: nhandan.com.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266