Việt Nam ở đâu khi làn sóng công nghệ mới đang đến gần

22:02 - 11/05/2017

Hoạt động sản xuất của nhân loại đã trải qua những đợt thay đổi sâu sắc và toàn diện, tạo ra các sản phẩm vượt ngoài sức tưởng tượng. Từ sự thay thế lao động bằng tay nhờ máy móc, ngày nay các robot có thể thay thế con người kiểm soát và điều khiển toàn bộ quá trình sản xuất, tạo ra các nhà máy có khả năng hoạt động 24/7 mà không cần sự can thiệp của con người. Chúng ta đang tiến đến thời kỳ của nhà máy thông minh với khả năng tùy biến linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của mỗi khách hàng, cùng với đó là các công nghệ trên nền IoT và big data cho phép tối ưu hóa toàn bộ quá trình từ sản xuất đến phân phối sản phẩm. Ngành sản xuất tại Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào trong kỷ nguyên mới đòi hỏi sự nỗ lực và vào cuộc của các Bộ, ngành liên quan.
 

Tại Hội thảo “Đổi mới công nghệ và ứng dụng IoT vào sản xuất thông minh” do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Văn phòng Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia phối hợp với Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư phát triển công nghệ (Techpro) và Tập đoàn Advantech (Đài Loan) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/5, các diễn giả đã cùng chia sẻ những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam khi đón nhận làn sóng công nghệ mới.

Khu triển lãm nông nghiệp thông minh bên lề hội thảo

Điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Tại Việt Nam, để tiếp cận với làn sóng công nghệ mới, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời, trong lĩnh vực liên quan, đã có những định hướng và chiến lược bao gồm: Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chiến lược phát triển công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 với việc xác định các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy - tự động hóa; và Chính sách phát triển Công nghiệp đang được xây dựng.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, những cơ chế và chính sách trên đã thể hiện mong muốn của Việt Nam trong việc tiếp cận và nắm bắt cơ hội của làn sóng công nghệ mới. Trước tiên, cần cộng đồng những nhà quản lý, những nhà khoa học, các tập đoàn và các doanh nghiệp cùng hưởng ứng, cùng chia sẻ những nội dung của làn sóng công nghệ này.

“Về phía Bộ KH&CN, để triển khai việc này, với vai trò hỗ trợ ứng dụng kết quả nghiên cứu mới, các công nghệ mới vào khu vực doanh nghiệp. Hiện nay, chúng tôi coi doanh nghiệp là trung tâm để đưa các kết quả nghiên cứu và công nghệ được tập trung chuyển giao cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.

Theo đó, những chính sách của nhà nước, từ Luật Chuyển giao Công nghệ đang được xây dựng sửa đổi đều đưa ra một nội dung rất quan trọng, đó là kết quả nghiên cứu từ các nguồn ngân sách nhà nước cũng như các nguồn được giao cho các tổ chức chủ trì để áp dụng và triển khai các kết quả nghiên cứu. Luật Chuyển giao Công nghệ (sửa đổi) vào tháng 5 sẽ thông qua Quốc hội, đây là điều kiện để phát triển và đổi mới công nghệ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, với tinh thần hỗ trợ cho doanh nghiệp, Bộ KH&CN đang tích cực triển khai Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và chuyển giao, đưa ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh trong nước và nước ngoài. Việc triển khai một số chương trình như Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và ngoài nước bằng ngân sách nhà nước; Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam đến năm 2020;… sẽ tạo điều kiện về chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực tốt để các doanh nghiệp bước vào làn sóng công nghệ mới.

Nói về sự hỗ trợ của Bộ KH&CN đối với các doanh nghiệp khi tiếp cận với làn sóng công nghệ mới, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đưa ra ví dụ về việc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia có những tiêu chí cụ thể, các thông tin ưu đãi, điều kiện đều được thông tin công khai, rộng rãi để doanh nghiệp tham gia. Bộ KH&CN sẽ công bố công khai toàn bộ các công nghệ của Việt Nam đã và đang có, hoặc công nghệ chuyển giao từ nước ngoài đến với doanh nghiệp. Hiện, những thông tin này có ở Cục Thông tin KH&CN Quốc gia và Cục Sở hữu trí tuệ.

Để ứng dụng công nghệ mới cần có nền tảng nhất định về KH&CN. Chia sẻ về thực trạng và tiềm năng triển khai của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, KH&CN, so với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam còn một số mặt chưa theo kịp, nhưng với quyết tâm cao của Đảng và Chính phủ trong thời gian tới là phát triển kinh tế xã hội của đất nước không có con đường nào khác ngoài dựa vào KH&CN, ngành KH&CN cần nỗ lực rất nhiều để đáp ứng yêu cầu của Đảng và Chính phủ.

Kể từ sau Nghị quyết số 20 của Trung ương về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, hiện Bộ KH&CN đang đổi mới mạnh mẽ. Luật KH&CN và văn bản hướng dẫn dưới luật giúp cho việc triển khai hoạt động KH&CN mang tính đổi mới sáng tạo.Với sự đổi mới cơ chế quản lý giúp nhà khoa học đơn giản hóa các thủ tục tiếp cận với các chính sách của nhà nước. Việc huy động nguồn lực xã hội cho KH&CN cũng là huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng bày tỏ mong muốn các bộ, ngành cùng phối hợp để cùng triển khai các nội dung liên quan, phát triển một nền công nghiệp xanh và thông minh, các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, có như vậy đất nước mới phát triển bền vững.

Đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường

Với trọng trách đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường, từ góc nhìn của người làm giáo dục, nghiên cứu khoa học, theo PGS.TS. Dương Anh Đức - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM, ngành giáo dục cần có định hướng cụ thể để thích ứng với thời cuộc, cần đào tạo nguồn nhân lực tốt đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bởi, nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là yếu tố quyết định cho sự phát triển.

“Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì vai trò của nguồn nhân lực càng được thể hiện rõ hơn. Điểm đặc biệt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nguồn nhân lực chất lượng cao phải khai thác nền tảng công nghệ mũi nhọn trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây là thách thức lớn đối với người làm giáo dục và nghiên cứu khoa học”, PGS.TS. Dương Anh Đức trăn trở.

PGS.TS. Dương Anh Đức cho rằng, đây là cơ hội hiếm có cần tận dụng. Theo đó, Việt Nam cần tham khảo các mô hình đã thành công của quốc tế. Song song với đào tạo là nghiên cứu khoa học và thực tiễn. Việc phát triển các chương trình đào tạo cần có giáo viên có trình độ. Doanh nghiệp và người sử dụng lao động luôn đồng hành trong quá trình tham gia đào tạo nguồn nhân lực. Do đó, cần có lực lượng tinh nhuệ, phát triển bền vững để đáp ứng cho thị trường.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, công nghệ thông tin có vai trò then chốt trong quá trình số hóa lĩnh vực công nghiệp nói chung và trong sản xuất công nghiệp nói riêng. Do đó, cần phải hiểu rõ bản chất của làn sóng công nghệ mới và khả năng của Việt Nam như thế nào? Đây là cuộc cách mạng không phải của toàn dân mà những cá nhân hay tổ chức nào tham gia phải hiểu rõ. Big data nằm ở đỉnh cao của quá trình này. Để triển khai big data, trước hết cần thay đổi mạnh mẽ giáo trình nghiên cứu. Thứ hai là, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp là một phần trong kinh tế xã hội. Theo đó, cần có dữ liệu khổng lồ và phân tích được nguồn dữ liệu ấy. Cùng với đó là xây dựng nền tảng, không đứng ngoài nghiên cứu và cần chủ động trong liên kết với doanh nghiệp, luôn bám sát thực tế…

Ông Chaney Ho, Chủ tịch Tập đoàn Advantech cho biết, Đài Loan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với Việt Nam. Làn sóng công nghệ mới có vai trò quan trọng, các sáng kiến áp dụng công nghệ cần phải đến từ người đứng đầu chứ không phải người thợ. Mỗi công ty nên thành lập ủy ban chiến lược về sản xuất thông minh. Người đứng đầu cần làm việc với giám đốc sản xuất và kỹ thuật thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghệ. Ủy ban triển khai thực hiện gồm các kỹ sư công nghệ thông tin và các ngành khác để lập lộ trình thực hiện. Các công ty lớn chỉ đầu tư, cung cấp kỹ thuật, thành công là do mỗi doanh nghiệp. Làn sóng công nghệ mới với sản xuất thông minh sẽ giúp công nghệ phát triển và kéo theo năng suất tăng cao.
 

Tọa đàm “Làm thế nào để nền công nghiệp Việt Nam tăng tốc hướng tới kỷ nguyên sản xuất thông minh” thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự

Nguồn: most.gov.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266