ADB lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong cuộc họp báo hôm nay (28/9) đã nâng mức dự báo về GDP của Việt Nam năm 2010 từ 6,5% lên 6,7% và năm 2011 từ 6,7% lên 7%.
(Cuộc họp báo của ADB. Ảnh: Chinhphu.vn)
ADB cũng đồng thời hạ mức dự báo về lạm phát của Việt Nam năm 2010 xuống 8,5% và năm 2011 ở mức 7,5%. Mức điều chỉnh này được ADB đưa ra ngay sau khi Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô trong 9 tháng năm 2010. Cụ thể, GDP tăng 6,52%, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 là 1,31%.
Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia của ADB cho rằng, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á không thực hiện tiếp các chính sách kích thích kinh tế.
Vào quý I/2010, gói kích cầu của Việt Nam đã được dỡ bỏ, tăng trưởng giảm xuống nhưng trong quý II đã có tín hiệu rõ ràng về sự phục hồi kinh tế mạnh hơn, lạm phát đã được kiểm soát hiệu quả. Khi không còn gói kích cầu, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, đại diện ADB cho rằng vẫn có những rủi ro từ nền kinh tế vĩ mô toàn cầu, vẫn có dấu hiệu về sự mong manh, dễ đổ vỡ trong hệ thống kinh tế toàn cầu cũng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế các nước.
Còn theo ông Lei Lei Song, chuyên gia kinh tế cao cấp của ADB, năm 2009, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thuộc loại cao nhất trong các nền kinh tế châu Á, nhưng đến quý I/2010, GDP tăng chậm lại. Tuy nhiên, ngay sau đó, GDP đã được cải thiện ở quý II và quý III. Kết quả là 9 tháng qua, GDP của Việt Nam đã tăng khá tốt.
“Đó là sự thành công nhờ các biện pháp kích thích và ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam”, ông Lei đánh giá. Bên cạnh đó, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối cũng được cải thiện, một phần do đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), do kiều hối vẫn tăng lên và du lịch phát triển.
Việt Nam vẫn bị thâm hụt thương mại (6 tháng đầu năm 2010 là 3,8 tỷ USD, giảm so với 8,1 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm 2009), lạm phát vẫn cao, điều này có thể gây áp lực cho đồng nội tệ. Tình hình lạm phát tăng trong tháng 9 là do yếu tố chu kỳ bình thường, nhưng áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ vẫn còn lớn, có thể lên đến mức 8% trong năm nay.
Một điều cần lưu ý là Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị cho nhu cầu sản xuất trong nước, trong khi giá trị gia tăng hàng xuất khẩu thấp, do đó Việt Nam có thể vẫn phải đối mặt với tình trạng nhập siêu trong thời gian tới.
Ông Ayumi Konishi nhận xét do nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn dưới mức giới hạn an toàn cho phép nên ADB hoàn toàn yên tâm về khả năng trả nợ của Việt Nam, bởi khi tốc độ tăng trưởng đạt mức khá thì khả năng trả nợ cũng dễ dàng hơn.
Nguồn: Chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • Công ty Wintek (Đài Loan) tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc
- • Thông xe đại lộ dài nhất, hiện đại nhất Việt Nam ngày 3/10
- • 9 tháng 2010 GDP tăng trưởng trên 6,5%
- • HN’s first metro route kick-started
- • Khởi công tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội
- • WATG - Hoa Kỳ lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho Khu dịch vụ tổng hợp
- • Việt Nam tiếp tục đi đầu trong hoàn thành Mục tiêu Thiên niên kỷ
- • Đoàn viên Đoàn Thanh niên TNCS Hồ Chí Minh phải luôn “Trẻ Trung – Năng Động – Sáng Tạo – Thành Công”
- • Thẩm định nhiệm vụ và quy hoạch Khu R & D và Khu chung cư
- • KHỞI CÔNG DỰ ÁN XÂY DỰNG TRUNG TÂM INTERNET VIET NAM TẠI KHU CÔNG NGHỆ CAO HÒA LẠC