Tạo dựng khung pháp lý đầy đủ thi hành Luật đầu tư
Ảnh minh họa |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo Nghị định nhằm 4 mục tiêu cụ thể:
Một là, quy định chi tiết nguyên tắc, cách thức áp dụng và thực hiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh cũng như cơ chế tập hợp, công bố, giám sát thi hành các quy định về vấn đề này nhằm bảo đảm thực hiện nhất quán nguyên tắc: nhà đầu tư được tự do đầu tư kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.
Hai là, cụ thể hóa một số quy định về bảo đảm đầu tư và chính sách ưu đãi đầu tư đối với một số ngành, nghề, địa bàn nhằm tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ chế bảo hộ, khuyến khích đầu tư phù hợp với các cam kết hội nhập của Việt Nam, đồng thời bảo đảm thu hút đầu tư chọn lọc và có hiệu quả.
Ba là, hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật nhằm cải cách thủ tục hành chính trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập tổ chức kinh tế đến triển khai, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư và các hoạt động kinh doanh.
Bốn là, quy định chi tiết nội dung, trách nhiệm và cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh giữa các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cơ quan đăng ký đầu tư nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 79 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ những quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh; ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; thủ tục đầu tư…
Đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư
Theo dự thảo đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 và Điều 16 Luật đầu tư được quy định chi tiết như sau: 1- Dự án đầu tư thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định; 2- Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định; 3- Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; 4- Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên trừ lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng; 5- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao.
Mức ưu đãi cụ thể đối với các dự án trên được áp dụng như sau: Mức ưu đãi đối với dự án đầu tư 1, 2, 5 thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và đất đai; mức ưu đãi đối với dự án đầu tư 3 được áp dụng như mức ưu đãi đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; mức ưu đãi đối với dự án đầu tư 4 được áp dụng như mức ưu đãi đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Dự thảo nêu rõ, trường hợp dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng các mức ưu đãi khác nhau, nhà đầu tư được chọn áp dụng mức ưu đãi đầu tư cao nhất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
Nguồn: chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • Chế tạo thành công thiết bị điện tử tự phá hủy
- • Ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- • Hơn 900 doanh nghiệp thực hiện Cơ chế một cửa
- • Giải ngân gần 5 tỷ USD vốn FDI trong 5 tháng
- • Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
- • Mời tham dự Hội thảo giao thương tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- • Chủ tịch Khu CNC Chungbuk thăm Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- • Thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam- Hàn Quốc
- • Tiếp tục ủy quyền nội dung quản lý nhà nước về lao động
- • Hơn 60 trường đại học Nhật Bản thăm ĐH FPT