Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

23:10 - 02/05/2017

Những năm gần đây, hàng trăm kết quả nghiên cứu KH&CN được ứng dụng rộng rãi, đã và đang trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
 
Xưởng sản xuất thử nghiệm gói thầu đèn LED tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Xưởng sản xuất thử nghiệm gói thầu đèn LED tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Trong nông nghiệp, KH&CN đóng vai trò lớn về lai tạo, nhân giống cây trồng mới, tăng năng suất, thay thế giống nhập ngoại. Việc ứng dụng công nghệ mới giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất…

Nhiều đề tài triển khai, ứng dụng thực tế
Ông Lê Xuân Rao – Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết, từ năm 2011 - 2015, các chương trình KH&CN cấp TP đã triển khai 488 đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm. Tỷ lệ ứng dụng kết quả vào thực tiễn của các đề tài ngày càng cao. Kết quả của các đề tài, dự án đã được áp dụng với các mức độ, quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.
Một số kết quả đề tài, dự án điển hình đã được triển khai trên địa bàn Hà Nội: Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển sản xuất lúa Indica hạt dài, Japonnica chất lượng; Nghiên cứu tuyển chọn giống và một số biện pháp kỹ thuật thâm canh nhằm tăng hiệu quả sản xuất đậu tương trong vụ Đông; Nghiên cứu tác dụng điều trị viêm dạ dày mạn tính có nhiễm Helicobacter Pylori bằng thuốc Vị quản khang; Hoàn thiện công nghệ sản xuất van chống sét gốm MOV-ZnO điện áp 35kV; Nghiên cứu công nghệ chế tạo hệ thống cảnh báo tự động và phương tiện cứu hộ, cứu nạn phục vụ phòng cháy chữa cháy trên địa bàn Thủ đô; Nghiên cứu xử lý nước thải tại cơ sở giết mổ gia súc bằng công nghệ xử lý sinh học kỵ khí kết hợp màng vi lọc (AnMBR); Nghiên cứu, triển khai mô hình đào tạo trực tuyến hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn của Hà Nội; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát và cảnh báo mức nước sông tự động ở những điểm xung yếu trong hệ thống đê điều của TP…
Cũng theo lãnh đạo Sở KH&CN, ngoài các đề tài, dự án đã triển khai, ứng dụng trong thực tiễn, Sở đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, các chuyên gia trong và ngoài nước đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng KH&CN. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm và đột phá của ngành KH&CN trong những năm qua.

Chủ động nguồn cung, giảm giá thành
Khẳng định những công nghệ sản xuất mới, hiện đại đã và sẽ tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp chủ động nguồn cung trong nước, thay thế nhập ngoại, giảm giá thành, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt, đẩy nhanh quá trình CNH - HĐH và hội nhập nền kinh tế quốc tế.
Giám đốc Lê Xuân Rao cho biết, một trong các dự án đã và đang triển khai: Dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, dự án khởi công cuối năm 2012, dự kiến đưa vào sử dụng trong quý II/2015; Dự án Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên tại phường Xuân La (quận Tây Hồ), khởi công vào cuối năm 2013, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2016; Dự án Trung tâm công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm tại xã Mai Lâm (huyện Đông Anh), dự kiến khởi công vào cuối năm 2015; Dự án cải tạo, sửa chữa trụ sở và đầu tư trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường chất lượng dự án được khởi công từ tháng 6/2013, đến nay toàn bộ hạng mục đã hoàn thành...

Tại một phòng thí nghiệm ở khu Đền Lừ 2, quận Hoàng Mai.
Tại một phòng thí nghiệm ở khu Đền Lừ 2, quận Hoàng Mai.

Lãnh đạo Sở KH&CN Hà Nội khẳng định, trong số các dự án, dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghiệp cao Hòa Lạc, là yếu tố then chốt, đẩy nhanh phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ - chuyển giao công nghệ để phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế thế giới và yêu cầu về sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

“Trung tâm nghiên cứu - chuyển giao công nghệ sẽ trở thành đơn vị liên kết hoạt động nghiên cứu - ứng dụng và nhu cầu chuyển giao công nghệ của các DN trên địa bàn Hà Nội. Dự án đầu tư phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển trong các lĩnh vực điện, điện tử, tự động hóa, cơ khí và xử lý ô nhiễm môi trường; quản lý, chuyển giao, giám định công nghệ... có khả năng liên kết với Viện nghiên cứu, trường đại học nhằm tận dụng và phát huy năng lực KH&CN trên địa bàn, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào định hướng phát triển sản xuất - dịch vụ công nghệ cao của Hà Nội trong những năm tới. Việc đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại khu nghiên cứu và triển khai khu công nghệ cao Hòa Lạc TP Hà Nội là cần thiết và đúng theo định hướng của TP. Đây được xác định là khu vực trung tâm trong tương lai.
Việc đầu tư xây dựng Trung tâm với kiến trúc hiện đại sẽ góp phần vào việc hình thành phong cách kiến trúc mới và tạo cảnh quan chung của khu vực. Mục tiêu đầu tư xây dựng “Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ” để phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về KH&CN, đồng thời là nơi chế thử, tiếp nhận các kết quả nghiên cứu thành công từ đề tài, dự án để sản xuất thử, hoàn thiện công nghệ, phục vụ thị trường KH&CN… Với hy vọng khi Trung tâm đi vào hoạt động sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thủ đô” - Giám đốc Lê Xuân Rao nhấn mạnh.

 

Nguồn: Báo Kinh tế và Đô thị

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266