Sướng nhất là khi không có đối thủ để thắng

23:10 - 02/05/2017

(01/01/2008) Ngày 1-1-2008, Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Đi vận động gia nhập HĐBA - cơ quan được coi có quyền lực nhất thế giới đâu phải là chuyện dễ dàng. Nhưng Việt Nam đã vượt qua cuộc thử thách này một cách đầy thuyết phục.

Thắng mà không làm “mếch lòng” ai

Ông Lê Lương Minh,Đại sứ Việt Nam tại LHQvẫn còn nhớ như in thời khắc 27-10-2006. Đúng một năm trước phiên họp Đại hội đồng LHQ bầu thành viên không thường trực mới của HĐBA, Việt Nam đã làm được chuyện chưa từng có từ trước tới nay - giành chắc chiếc ghế vinh dự đó cho mình tại cuộc họp của nhóm châu Á.

Đối với ông Minh, đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời ngoại giao của mình. Đáng nhớ vì theo ông Minh, châu Á là khu vực có số thành viên LHQ đông nhất (54 nước) nên tranh cử vào HĐBA lúc nào cũng gay cấn. Thông thường, một ghế đại diện cho châu Á lúc nào cũng phải có 2-3 ứng cử viên. Các ghế không thường trực dành cho châu Á đến năm 2029 đều đã có nước đăng ký. Trong quá khứ, có lần phải sau 155 vòng bỏ phiếu kéo dài hơn 3 tháng, các nước mới bầu được một thành viên không thường trực mới.

Thế nhưng hôm đó, ông Minh còn chưa kịp phát biểu về Việt Nam, thì đại diện một nước bè bạn đã đứng lên đề nghị thông qua ngay Việt Nam. Sau đó, không chỉ các nước đại diện các tiểu khu vực trong châu Á phát biểu mà gần như tất cả các nước có mặt đều xin phát biểu. “Tôi đã dự không biết bao nhiêu cuộc họp nhưng ít có cuộc nào mà sự đồng thuận lại cao như vậy”, ông Minh nhớ lại.

Để có được tín nhiệm cao như vậy, chúng ta đã phải có chiến dịch vận động trên nhiều hướng, nhiều cấp khác nhau, từ các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến các nước, đến các cuộc gặp của đoàn Việt Nam tại LHQ với đại diện các nước để thuyết phục, không phải mọi chuyện đều dễ dàng. Có lần, có nước bạn bè tìm đến gặp đoàn ta khẳng định sẽ ủng hộ Việt Nam nhưng tiện thể cũng “rỉ tai” rằng có thể có những “đại gia” tiềm năng như Hàn Quốc ra tranh cử. Ông Minh vội tìm gặp Đại sứ Hàn Quốc để thăm dò. Nhận được câu trả lời “Không, tôi ủng hộ Việt Nam”, ông cảm thấy như vừa cất đi được gánh nặng. Sau này, trong cuộc họp của nhóm châu Á, chính Đại sứ Hàn Quốc là một trong những người phát biểu đầu tiên ủng hộ Việt Nam.

Và thế là Việt Nam trở thành ứng cử viên duy nhất của châu Á. Vượt qua “ngưỡng cửa” này, đường vào HĐBA với Việt Nam coi như đã mở. Niềm vui đó, theo ông Minh, còn được nhân lên gấp bội vì chúng ta giành phần thắng nhưng lại không phải làm “mếch lòng” ai. Ông tâm sự: “Chỉ có một ghế mà nếu có nước khác cùng vận động tranh cử thì chắc chắn phải có “người thắng, kẻ thua”. Để không rơi vào thế phải “đối đầu”, nhất là trong trường hợp “đối thủ” lại là nước bạn bè cũng ra tranh cử, chúng ta phải khéo léo để mình là ứng cử viên duy nhất của châu Á”. Mục tiêu đó Việt Nam đã đạt được, còn ông Minh cũng phát hiện thêm cho mình một triết lý “Thắng bao giờ cũng thích nhưng không phải thắng mà vẫn đạt được mục đích thì tốt hơn”.

Phải biết “điểm lùi” của nhau

Khi Việt Nam giành tỉ lệ ủng hộ cao như vậy, nhiều người đặt câu hỏi rằng, trong số những nước ủng hộ Việt Nam, không phải tất cả đều có cùng quan điểm lập trường, đặc biệt là trong những vấn đề có độ nhạy cảm cao, thế nhưng vì sao tất cả đều ủng hộ Việt Nam.

Theo ông Minh, có hai yếu tố đã tạo nên sự tin tưởng với Việt Nam. Với những nước về cơ bản có cùng quan điểm với Việt Nam như các nước đang phát triển, các nước không liên kết, những nước chia sẻ với Việt Nam nhiều lợi ích cả về kinh tế chính trị và phát triển, Việt Nam được nhìn nhận là nước có chính sách đối ngoại nhất quán, thể hiện sự chung thủy với bạn bè cũng như tinh thần trách nhiệm đối với các công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Đối với các nước không cùng chung các quan điểm, thậm chí là không cùng chung lợi ích trong nhiều vấn đề, thì họ lại bị thuyết phục bởi một đất nước Việt Nam đổi mới, hội nhập thành công, bởi tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong xử lý các công việc quốc tế, từ tham gia Cộng đồng Pháp ngữ, đến ASEAN, ASEM, APEC, WTO…

Vị thế đang lên của Việt Nam là yếu tố rất quan trọng giúp chúng ta thành công. Tuy nhiên, không thể bỏ qua sự vận động khéo léo của các nhà ngoại giao. Ông Minh kể rằng ở LHQ, đoàn Việt Nam đã biết tạo cho mình nhiều hình thức tiếp xúc, mà ông gọi là những “không gian”, để thăm dò, nắm bắt quan điểm của đối tác. Mỗi “không gian” phục vụ một nhiệm vụ khác nhau. Chẳng hạn, khi bàn về vấn đề nhân quyền thì Việt Nam thường trao đổi với nhóm nước không liên kết. Khi bàn về vấn đề văn hóa thì có thể tận dụng “không gian” là khối Pháp ngữ. Chủ đề phát triển thì đưa ra trao đổi với nhóm nước đang phát triển.

Thậm chí câu lạc bộ đánh gôn cũng là nơi thuận lợi cho các cuộc trao đổi bên lề, và nếu khéo léo thì cũng có thể nắm bắt nhiều điều. “Sân gôn không thể thay đổi quan điểm của các đại sứ nhưng lại là nơi có thể rút ngắn thời gian, không phải đi vòng vèo, trong việc nắm bắt tìm hiểu cách suy nghĩ của nhau, quan điểm của nhau. Đi sân gôn mà biết người khác sẽ bỏ phiếu thế nào, tức là biết điểm lùi của đối tác, thì mình sẽ chủ động hơn trong cách tính của mình”, ông Minh giải thích.

Sự kiện Việt Nam tham gia HĐBA LHQ ông Minh ví như “ra biển lớn”. Ông giải thích: “Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới là “ra biển lớn” hoạt động kinh tế thương mại, còn vào HĐBA là “ra biển lớn” an ninh hòa bình thế giới”. Ông cho rằng hai biển lớn này thông với nhau nên đương nhiên tác động lẫn nhau. Biển lớn này có bão lớn thì biển kia cũng nổi sóng. Vì thế mà phải biết giữ cho cả hai đại dương bình lặng, và đó là một phần nhiệm vụ của những nhà ngoại giao.

MẠNH TƯỜNG

Nguồn: QĐND

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266