Bàn giao Hồ Văn sau một năm xử lý thành công
Sau một năm xử lý thành công, lễ bàn giao công trình xử lý ô nhiễm nước Hồ Văn và hai khu hồ nhập đạo Văn Miếu đã diễn ra hôm nay, 8-7 giữa Công ty Cổ phần Xanh và Trung tâm hoạt động Văn hóa – khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở Thể thao, Văn hóa và Du lịch Hà Nội cho biết, Hồ Văn là một bộ phận trong tổng thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi đây có đảo Minh Châu với những giai thoại về sĩ tử vườn Giám, về những “tao nhân mặc khách” của thành Thăng Long xưa đến bình giảng về thơ văn những dịp ngày Tết, ngày xuân. Mặt nước Hồ Văn từ ngày xưa vốn đã nổi tiếng có màu xanh trong vắt. Nhưữn năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, nước Hồ Văn bị ô nhiễm, mặt nước nổi váng, có mùi, tảo xuất hiện nhiều, gây mất mỹ quan của Hồ Văn và khu di tích.
Theo TS Nguyễn Phú Tuân, Giám đốc Công ty Cổ phần Xanh thuộc Trung tâm Ươm tạo Doanh Nghiệp Công nghệ cao (HBI), Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hồ Văn bắt đầu được xử lý từ ngày 25-6-2008. Nhóm các nhà khoa học trẻ này đã thực hiện 10 bước: điều tra và đánh giá môi trường nền của hồ Văn, tiến hành thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và ngoài thực địa, xử lý toàn bộ hồ bằng hóa chất, đánh giá chất lượng nước hồ sau khi xử lý bằng hóa chất, xử lý bằng vi sinh vật phân hủy hữu cơ (vi sinh vật làm sạch môi trường nước, dùng trong nuôi trồng thủy sản), đánh giá chất lượng nước sau khi xử lý bằng vi sinh vật, đưa ra một cơ cấu động vật và thực vật thủy sinh, lắp đặt hệ thống cung cấp ôxy, tạo cảnh quan, hình thành nhóm lợi ích trên mặt hồ, đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm từ mô hình và đưa ra phương án tối ưu cho vấn đề xử lý nước ô nhiễm tại các thủy vực.
Đến nay, hiện trạng nước hồ đã tiệm cận với tiêu chuẩn nước mặt, chỉ số ni tơ, phốt pho giảm 30 đến 50 lần, ô nhiễm tảo và ô nhiễm lớp bùn đáy được xử lý. TS Tuân cho biết, các hồ ở Hà Nội hiện nay thường có lớp bùn đáy dày 2m và có mùi rất khó chịu, riêng lớp bùn đáy của Hồ Văn dày 3m, nhưng nay đào sâu đến 1,5m cũng không ngửi thấy mùi.
TS Tuân kết luận, mô hình “Quản lý tổng hợp hồ Văn với sự tham gia của cộng đồng địa phương” do Công ty cổ phần Xanh thực hiện sau một năm đã thành công. Tuy nhiên, không thể sử dụng đơn lẻ một công nghệ mà có thể giải quyết ô nhiễm các thủy vực một cách bền vững. Giải pháp công nghệ là chưa đủ, nếu không có sự tham gia của cộng đồng thì mọi giải pháp công nghệ đều vô nghĩa. Mô hình đã đưa được ra một biện pháp mang tính tổng thể cho việc xử lý ô nhiễm các hồ ở Hà Nội có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
(Các nhà khoa học, nhà quản lý quan sát nước hồ Văn ngay sau lễ bàn giao)
“Trước đây, sau khi xử lý thành công tôi nói việc Hồ Văn có thể xanh trong trong vòng sáu tháng, nhưng nay tôi có thể khẳng định, nếu duy trì tốt có thể kéo dài sự trong sạch của Hồ Văn lên đến bốn năm năm”, TS Tuân nói.
Mặc dù đã bàn giao Hồ Văn lại cho Ban quản lý di tích, nhưng anh Tuân cho biết anh vẫn sẽ tiếp tục theo dõi mức độ ô nhiễm của hồ mỗi tháng một vài lần.
Tại lễ bàn giao, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Nguyễn Văn Lạng cho biết, hoạt chất LTH-100 đã xử lý thành công nước thải cho nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp như: Công ty Hồng Lam (KCN Quang Minh), Công ty Cổphần sữa quốc tế (Chương Mỹ, Hà Nội), Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật Hòa Bình (KCN Lê Minh Xuân, TP Hồ Chí Minh).
(Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Văn Lạng)
Nhóm các nhà khoa học đã cùng với Nhà máy xử lý nước thải của KCN Điện Ngọc, Quảng Nam xây dựng quy trình xử lý nước thải của KCN này với bộ sản phẩm LTH-100 và LTH-68. Kết hợp với một số đơn vị sản xuất than tổ ong thử nghiệm quy trình sản xuất than sạch với sản phẩm LTH-500 nhằm tăng hiệu suất, giảm khí thải ra môi trường, đặc biệt là giảm thiểu mùi tại một số địa phương như Hà Nội, Lạng Sơn, Hà Nam, Hải Dương, Thanh Hóa, Đà Nẵng…
Đặc biệt, đầu năm nay, hoạt chất LTH-100 đã tiếp tục xử lý thành công ô nhiễm môi trường tại bãi rác Núi Bông, tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện phương án xử lý ô nhiễm nước hồ chùa Cầu, Hội An, tỉnh Quảng Nam cũng đã được lập và đang trong quá trình thực hiện. Hoạt chất LTH-100 được cho chảy nhỏ giọt vào hai điểm nơi nước thải đổ vào hồ để xử lý ô nhiễm nước.
Nguồn: Nhandan.com.vn
Các bài viết khác
- • Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2009
- • Áp dụng giá điện giờ cao điểm để khuyến khích việc tiết kiệm điện
- • Hướng dẫn mới về đăng ký thuế Thu nhập cá nhân
- • Luật Công nghệ cao chính thức đi vào cuộc sống
- • Bộ Khoa học và Công nghệ công bố biểu trưng mới
- • Đại sứ Nhật Bản đến thăm Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- • Khu Công nghệ cao Hoà Lạc 6 tháng đầu năm 2009
- • Chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị y tế kỹ thuật số công nghệ cao
- • 1/7/2009 Luật Công nghệ cao bắt đầu có hiệu lực.
- • Thoả thuận hợp tác giữa Ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội