Kinh nghiệm triển khai ứng dụng từ nghiên cứu khoa học

23:04 - 18/09/2018

Các nhà khoa học đã chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong việc triển khai ứng dụng từ các nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Việt Nam.
 
GS.TS Nguyễn Sơn Bình – một trong năm nhà khoa học Mỹ gốc Việt có tầm ảnh hưởng nhất thế giới do Thomson Reuters công bố năm 2017.

Học viện Khoa học và công nghệ Việt Nam phối hợp cùng Viện Khoa học vật liệu và Trung tâm phát triển công nghệ cao tổ chức hội thảo về kinh nghiệm triển khai ứng dụng từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đây là một hoạt động thực tiễn, nhằm thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Sơn Bình – một trong năm nhà khoa học Mỹ gốc Việt có tầm ảnh hưởng nhất thế giới do Thomson Reuters công bố năm 2017, hiện đang là giảng viên đại học Northwestern, đã chỉ ra 3 nguyên nhân quan trọng làm hạn chế triển khai ứng dụng từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Thứ nhất, các sản phẩm được triển khai ứng dụng từ các nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Việt Nam đa số chỉ dùng trong nước, thậm chí chỉ được sử dụng trong một nhóm nhỏ người dân, mà không tìm hiểu để xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Chỉ một phần nhỏ sản phẩm của Việt Nam được bán sỉ ra nước ngoài, sau đó các nước gia công lại và bán, thậm chí xuất khẩu ngược lại Việt Nam với giá cao hơn rất nhiều.

Thứ hai là chúng ta chưa thực sự quan tâm việc quảng bá sản phẩm của mình mặc dù các sản phẩm được triển khai ứng dụng tại Việt  Nam rất tốt.

Thứ ba là do chúng ta thiếu kinh nghiệm và hạn chế thông tin khi lựa chọn các sản phẩm cho chính mình. Chúng ta hiện nay đang “sa vào bẫy” theo trào lưu mua đồ nước ngoài, tức là cứ cái gì ở nước ngoài đều tốt, nhưng lại không biết rằng, rất nhiều sản phẩm chúng ta mua từ nước ngoài đều bắt nguồn từ Việt Nam.

Với kinh nghiệm có trên 30 bằng sáng chế và nhiều nghiên cứu khác đã được triển khai thành sản phẩm thương mại trên thế giới (ví dụ như tai nghe chất lượng cao ORA-Sound đầu tiền trên thế giới dùng màng grapheme), GS.TS Nguyễn Sơn Bình chia sẻ, để phát triển ứng dụng từ kết quả các nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Việt Nam, chính người Việt cần phải thay đổi suy nghĩ về 3 nguyên nhân trên. Sự thay đổi này phải từ chính tư duy của mọi người, từ những người dân, nhà nghiên cứu, quần chúng…, không nên trông chờ, ỷ lại từ cơ quan quản lý, mà phải có những gợi ý, tham mưu cho cơ quan quản lý.

TS Hà Phương Thư, Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), có nhiều thành công trong nghiên cứu chế tạo loại thuốc hỗ trợ điều trị ung thư đã được thương mại hóa trên thị trường, được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2016, cũng chia sẻ, để phát triển ứng dụng từ kết quả các nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhà khoa học phải nắm vững công nghệ, tạo ra các sản phẩm đáp ứng với nhu cầu của thị trường, có khả năng chủ động tìm kiếm, thu hút các nguồn đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu…

Nguồn: chinhphu.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266