Ngày hội khám phá vũ trụ (tên Tiếng Anh SpaceDay) được Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hàng năm vào 18/5 - ngày khoa học và công nghệ Việt Nam.
Học sinh ngắm mô hình Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đang được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là dự án khoa học và công nghệ lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay với tổng số tiền đầu tư hơn 600 triệu USD. Bên cạnh Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đang được xây dựng, dự án còn chế tạo nhiều vệ tinh như PicoDragon, MicroDragon. Đặc biệt, Việt Nam sẽ chế tạo hai vệ tinh quan sát trái đất bằng công nghệ radar là vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2, dự kiến sẽ phóng lên vũ trụ vào năm 2019 và 2022. Với hai vệ tinh này, Việt Nam sẽ vươn lên Top đầu khu vực về công nghệ vũ trụ.
Các em học sinh quan sát mô hình tên lửa và mô hình kỹ thuật vệ tinh PicoDragon. Đây là vệ tinh đầu tiên do Việt Nam tự chế tạo và hoạt động thành công trên vũ trụ hơn 3 tháng.
Một học sinh chụp hình cùng mô phỏng quần áo của nhà du hành vũ trụ.
Hơn 100 học sinh tham gia hoạt động phổ biến kiến thức của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia. Các em được nghe giới thiệu về ứng dụng công nghệ vệ tinh, thiên văn, chẳng hạn như “Máy bay MH370 bị mất tích. Đố các em biết các vệ tinh sẽ hỗ trợ tìm kiếm máy bay như thế nào?” hay “Đây là hành tinh nào trong hệ Mặt Trời?”. Trong hoạt động này, nhiều câu hỏi đố vui về kiến thức vệ tinh, vũ trụ được đặt ra. Hầu hết các học sinh đều trả lời xuất sắc và nhận được phần quà từ ban tổ chức.
Học sinh tham gia vào phần thực hành lắp kính thiên văn và quan sát bầu trời qua kính thiên văn. Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh lớp 6A, Trường THCS Thực Nghiệm, Hà Nội cho biết, em cảm thấy rất thú vị với ngày hội khám phá vũ trụ vì có cơ hội được dùng kính thiên văn và biết thêm nhiều thông tin mới mẻ.
Ban tổ chức cho biết, hoạt động này sẽ được tiếp tục vào những năm tới với hy vọng khơi dậy niềm đam mê khoa học nói chung, niềm đam mê công nghệ vũ trụ nói riêng cho các em học sinh.