Hà Nội định hướng thu hút FDI có chọn lọc, tập trung vào các dự án chất lượng

22:40 - 10/06/2018

Hà Nội đứng thứ 3 về thu hút FDI trên toàn quốc
Tính đến ngày 31/5, trong 5 tháng đầu năm 2018 toàn TP Hà Nội thu hút 891,91 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó cấp mới 229 dự án, vốn đầu tư đăng ký mới 530,83 triệu USD; tăng vốn 52 lượt dự án, vốn đầu tư đăng ký tăng 131,3 triệu USD; chấp thuận góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong DN Việt Nam 298 lượt, với tổng vốn đăng ký đạt 229,78 triệu USD.
Trong kỳ đã thực hiện cấp mới 2 Dự án của Tập đoàn Nidec tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, tổng vốn đầu tư 400 triệu USD. Gồm Dự án Nidec Shimpo Việt Nam (Nhật Bản), tổng vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu phát triển, sản xuất, kinh doanh máy giảm tốc cỡ nhỏ có độ chính xác cao tại Hà Nội; Dự án Nidec Techno Motor Việt Nam (Nhật Bản), tổng vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu phát triển, sản xuất và kinh doanh mô-tơ điện một chiều không chổi than tại Hà Nội.
Năm 2017, TP Hà Nội thu hút 3,435 tỷ USD vốn đầu tư FDI (tăng 10,2% so với năm 2016, vượt kế hoạch năm 2017 đề ra 4%). 
Trong đó cấp mới 556 dự án, vốn đầu tư đăng ký mới 1,434 tỷ USD; tăng vốn 165 lượt dự án (tăng, giảm vốn), vốn đầu tư đăng ký tăng 690,1 triệu USD; chấp thuận góp vốn mua cổ phần của 637 nhà đầu tư nước ngoài trong DN Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 1,311 tỷ USD (bao gồm cả DN có vốn đầu tư nước ngoài dưới 51% vốn điều lệ).

Như vậy tính đến thời điểm hiện nay, TP Hà Nội hiện đứng thứ 3 về thu hút FDI trên toàn quốc, sau TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Dự kiến 6 tháng năm 2018, trên cơ sở các hồ sơ đang trình TP phê duyệt, thu hút FDI đạt khoảng 1,3 tỷ USD (tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2017) gồm các dự án: Dự án sản xuất màng OPC của Mitsubishi Chemical tại khu công nghệ cao Hòa Lạc 92 triệu USD; Dự án Nhà máy sản xuất bia tăng vốn của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Hà Nội, 43 triệu USD; Dự án Trung tâm tài chính thương mại và các công trình phụ trợ tăng vốn của Công ty TNHH TSQ Việt Nam, 68 triệu USD; Khu phức hợp tại phường La Khê, quận Hà Đông của Công ty HH Chế tạo Công nghiệp và Gia công Hàng xuất khẩu Việt Nam (Công ty VMEP) và Công ty CP Phát triển Nhà Daewon Thủ Đức (Công ty DWTD), 150 triệu USD…
Lũy kế đến hết tháng 5/2018: Hà Nội thu hút được 27,94 tỷ USD với 4.330 dự án còn hiệu lực, trong đó vốn thực hiện đã giải ngân đạt khoảng 15,4 tỷ USD (chiếm 55%).
Các dự án đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm phần lớn (chiếm 80%), còn lại là liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất là bất động sản (31%); tiếp theo là công nghiệp chế biến chế tạo (28%), thông tin truyền thông (8,7%).
Nhật Bản hiện là quốc gia đứng thứ nhất về vốn đầu tư FDI của Hà Nội với khoảng 5,8 tỷ USD, đứng thứ hai là Singapore với 5,6 tỷ USD; đứng thứ 3 là Hàn Quốc với 5,4 tỷ USD.

 

Nguồn: VnEconomy
 
Thu hút FDI có chọn lọc, tập trung vào các dự án chất lượng
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù vốn đầu tư FDI 5 tháng đầu năm 2018 trên cả nước chỉ bằng 81,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo đánh giá, Việt Nam đang chú trọng thu hút đầu tư, nhằm tận dụng những lợi thế về dây chuyền sản xuất, công nghệ và chuỗi giá trị toàn cầu. 
Với định hướng Việt Nam chủ động nhắm đến những dòng vốn chất lượng hơn, thu hút FDI đã chuyển dần sang chọn lọc sao cho phù hợp với từng địa phương để tăng tối đa hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng của dòng vốn này. Với sự thay đổi này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã khiến dòng vốn FDI không đổ vào ồ ạt như trước, mà chậm hơn, nhưng cũng chất lượng hơn. 
Đối với TP Hà Nội, dù vẫn duy trì được đà tăng trưởng của dòng vốn FDI, nhưng TP đã và đang định hướng thu hút FDI một cách có chọn lọc, tập trung vào các dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao từ các tập đoàn quy mô lớn, xuyên quốc gia.
Trong đó khuyến khích các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ tài chính, ngân hàng… nhằm huy động có hiệu quả nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô theo mô hình tăng trưởng bền vững.
Về vấn đề này, trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa TP Hà Nội và Nhật Bản, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cho biết: Xác định nguồn lực đầu tư từ các DN trong và ngoài nước đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng phát triển của TP, năm 2018, Hà Nội đưa ra 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là các dự án trọng điểm; xây dựng và từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông minh; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...
Chính quyền TP Hà Nội cam kết đồng hành, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh hướng đến các chuẩn mực quốc tế, nâng cao các chỉ số môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh để luôn là địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư.
Nói về quốc gia đứng thứ nhất về vốn đầu tư FDI của Hà Nội là Nhật Bản, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP mong muốn thu hút đầu tư trong những lĩnh vực thế mạnh của Nhật Bản như: Công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, giải pháp công nghệ thông tin, môi trường, nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao; tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ mới, kinh nghiệm và công nghệ quản lý trong phát triển đô thị thông minh...

Nguồn: Kinh tế và Đô thị

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266