Trong danh sách chỉ có một viện nghiên cứu, còn lại đều là trường đại học. Dẫn đầu là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, kế đó là Đại học Tôn Đức Thắng; Đại học Quốc gia TP HCM và Hà Nội xếp thứ 3 và 4. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Duy Tân, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Đại học Huế, và Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn.
Sự hiện diện của đại học trẻ như Tôn Đức Thắng hay Duy Tân được giới chuyên môn nhận định là do trường có sự đổi mới trong quản lý, như tổ chức khoa học thành nhóm, gắn nghiên cứu với giảng dạy, hợp tác quốc tế.
Ảnh chụp màn hình Web of Science, tính đến ngày 31/5/2018. |
Chia sẻ về lý do có bước tiến mạnh trong công bố quốc tế, tiến sĩ Lê Văn Út, Trưởng phòng quản lý phát triển khoa học công nghệ (Đại học Tôn Đức Thắng) cho biết, ngay từ đầu trường được định hướng sẽ trở thành đại học nghiên cứu, nên hiệu trưởng đã quyết định áp dụng các thông lệ quốc tế, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học. Đây cũng là kết quả từ sự tự chủ của trường.
Công bố quốc tế được cho là thước đo quan trọng để đánh giá năng lực của các nhà nghiên cứu và quyết định xếp hạng đại học. Trên thế giới hiện có hai cơ sở dữ liệu khoa học uy tín là ISI (Web of Science) và Scopus. Trong đó, ISI là uy tín nhất, thống kê khoảng 14.000 tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.