Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những mặt tích cực thì một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; một số nội dung không còn tương thích với một số quy định của luật mới ban hành. Ngoài ra, một số nội dung khác cần được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế tốt, tăng mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.
Một số thủ tục hành chính để đăng ký doanh nghiệp không còn phù hợp, không còn cần thiết, tạo ra gánh nặng chi phí và làm chậm quá trình gia nhập thị trường, như: thủ tục thông báo mẫu dấu (Điều 44), thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp (Điều 12)… Từ những phân tích nêu trên về bất cập, khiếm khuyết của Luật, thay đổi của pháp luật có liên quan, thay đổi bối cảnh kinh tế xã hội và yêu cầu cải cách mạnh mẽ nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của nước ta đã cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp.
Bãi bỏ một số thủ tục không còn cần thiết
Dự thảo Luật này sửa đổi 66 điều; bãi bỏ 02 điều; bổ sung 01 chương và 08 điều (bổ sung chương VIIa về Hộ Kinh doanh, bao gồm 05 điều).
Đối với nội dung về đăng ký doanh nghiệp (Chương I và II), dự thảo bãi bỏ 02 thủ tục không còn cần thiết, gồm: (i) thủ tục thông báo mẫu dấu (Điều 44); (ii) thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp (Điều 12).
Bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, theo đó người thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng với bộ hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay).
Đối với doanh nghiệp nhà nước (Chương IV) và các quy định về doanh nghiệp có phần vốn nhà nước tại các Chương III và V: Nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về doanh nghiệp nhà nước như sau:
Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước được cụ thể hóa bằng tiêu chí Nhà nước “sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết” của doanh nghiệp đó.
Nhằm nâng cao yêu cầu về quản trị đối với công ty TNHH, công ty cổ phần có sở hữu của nhà nước trên 50% vốn điều lệ, tăng mức độ kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa trong hoạt động của DNNN, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định để mở rộng phạm vi đối tượng người có liên quan không được làm thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc (bao gồm: con rể, con dâu, anh em bên chồng; bổ sung quy định công khai hóa thông tin của doanh nghiệp); sửa đổi quy định về cổ phần ưu đãi biểu quyết do Nhà nước nắm giữ (cổ phần ‘vàng’) theo hướng không giới hạn về thời gian và mức độ biểu quyết ưu đãi...
Bổ sung quy định về hộ kinh doanh
Dự thảo Luật đã bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh, bao gồm các Điều 187b, 187c và 187d, 187đ và 187e (thay thế khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp). Nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định về hộ kinh doanh như sau:
Tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.
Quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự; bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh, như: chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Nguồn: www.chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • Khu CNC Hòa Lạc: Khởi công giai đoạn 2 Nhà máy Hanwha Aero Engines
- • Khu CNC Hòa Lạc: Tăng cường xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản
- • Bàn giao công trình phòng thí nghiệm MEMS/NEMS
- • Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung về KH,CN và đổi mới sáng tạo
- • Thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia
- • VKIST khai trương phòng thí nghiệm về lĩnh vực công nghệ sinh học tại Hàn Quốc
- • Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng thể chế
- • Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư
- • Hội thảo “Chuẩn kỹ năng và sát hạch CNTT phục vụ cho việc phát triển nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam”.
- • IoT Innovation Hub: Hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm đầu tiên