Bí quyết thành công của viện khoa học ứng dụng số 1 Hàn Quốc
Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc. Ảnh: KIST |
"Tôi cho rằng yếu tố chính giúp viện KIST phát triển như ngày hôm nay chính là sự lãnh đạo tập trung của cố tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee, ông đã dùng ảnh hưởng mạnh mẽ của mình để thúc đẩy KIST đi lên",ông Shin Kyung-ho, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách công nghệ thuộc KIST, trao đổi với VnExpress. Ông Shin chia sẻ bên lề Diễn đàn kinh tế sáng tạo về Khoa học và công nghệ Việt - Hàn tại Hà Nội.
KIST được chính phủ Hàn Quốc thành lập năm 1966 với mục tiêu tận dụng các thành quả khoa học và công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế. Hàn Quốc thời điểm đó áp dụng một đạo luật đặc biệt với KIST, trong đó quy định lương của nhà khoa học cao gấp 3 đến 5 lần so với lương của giáo sư ở trường đại học. Mức này tương đương với lương của các nhà khoa học Mỹ, mặc dù Hàn Quốc lúc đó thuộc nhóm các nước nghèo nhất thế giới. Hiện lương của nhà khoa học làm việc tại KIST ở mức 100.000 USD một năm.
Theo ông Shin, khi đi vào hoạt động, KIST được áp dụng cơ chế tự quản, độc lập hoàn toàn khỏi sự giám sát của chính phủ Hàn Quốc. Họ được quyền tự chọn người, chọn nhà khoa học và có quỹ riêng của mình. KIST cũng có cơ chế đặc biệt trong việc đưa các sáng kiến của nhà khoa học ra thị trường.
"Các nhà khoa học không phải là người đưa ra chủ đề nghiên cứu, mà chính các công ty hoạt động trong KIST đặt ra mục tiêu cần phải nghiên cứu cái gì để tạo ra sản phẩm gì mà người tiêu dùng đang cần. Thông thường, có một khoảng cách lớn giữa ý tưởng và nghiên cứu của nhà khoa học với việc tạo ra sản phẩm trên thực tế. Với những công trình nghiên cứu trên giấy mà không giúp tạo ra sản phẩm, chúng tôi gọi đó là 'giá trị chết'", ông Shin nói.
Ngân quỹ hàng năm của KIST ở mức khoảng 300 triệu USD. Chính phủ cung cấp một nửa, từ ngân sách, dùng để trả lương cho nhân viên và dành cho một quỹ nghiên cứu. Khoảng 40% ngân quỹ của KIST sẽ được bảo đảm thông qua cạnh tranh để giành được các chương trình nghiên cứu của chính phủ. Tại Hàn Quốc, mỗi bộ có chương trình nghiên cứu riêng hàng năm. Các viện nghiên cứu, trong đó có KIST, phải chứng minh được khả năng tham gia của mình để có chương trình nghiên cứu cụ thể đi kèm ngân sách.
Khoảng 10% khác do khu vực tư nhân đóng góp. Ngân sách hàng năm và mức phân chia có sự thay đổi theo thực tế.
Với những chính sách đặc biệt như vậy, viện KIST hiện là một trong 10 viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, các nghiên cứu của KIST đóng góp gần 30% giá trị gia tăng sản phẩm công nghiệp của Hàn Quốc. KIST góp phần đưa Hàn trở thành một con rồng châu Á với tốc độ tăng trưởng GDP tăng hơn 300 lần trong gần 50 năm qua. Từ đây, nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực đóng tàu, chất bán dẫn, điện tử đã ra đời và chinh phục thế giới bằng các thương hiệu của Hàn Quốc như Hyundai, Samsung, LG.
Hồi 2012, trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu tổng thống Hàn Lee Myung-bak bày tỏ ủng hộ đề xuất hỗ trợ Việt Nam xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST). V-KIST được kỳ vọng sẽ trở thành viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam.
Một dự thảo cho VKIST đang được trình chính phủ Việt Nam, trong đó quy định cơ chế những cơ chế đặc thù gồm vấn đề tiền lương nhà khoa học, bổ nhiệm nhân sự, chính sách thu hút các nhà khoa học nước ngoài về làm việc.
Ông Shin hy vọng KIST có thể hỗ trợ Việt Nam cải thiện tình trạng các nghiên cứu khoa học "đang nằm trên giấy" một khi V-KIST đi vào hoạt động. "Việt Nam có rất nhiều nhà khoa học giỏi, các bạn có nền tảng tốt, thị trường lớn nhưng việc biến chúng thành các sản phẩm trên thị trường không phải điều dễ dàng", ông Shin nói.
Chuyên gia Hàn Quốc cho rằng để có được thành cộng, Viện cần chọn đúng lĩnh vực nghiên cứu, chọn đúng công ty đầu tư, phải có nguồn vốn để tạo ra sản phẩm, từ ngân hàng hoặc hệ thống quỹ. Nếu nhà khoa học chỉ cần một triệu USD để nghiên cứu thì việc tạo ra sản phẩm có thể tốn ít nhất 10 triệu USD. "Chính phủ, công ty và nhà khoa học cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau, đó thực sự là một nghệ thuật", ông nói. Hiện các công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại KIST cũng đang rất quan tâm đến cơ hội đầu tư tại V-KIST trong tương lai.
Dự án V-KIST được Bộ Khoa học và Công nghệ dự kiến đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tổng kinh phí cho giai đoạn I (2014-2017) khoảng 70 triệu USD, trong đó Hàn Quốc hỗ trợ 35 triệu USD. Kinh phí đối ứng của Việt Nam ước tính thực hiện cho giai đoạn I gồm giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, chi phí quản lý. Ông Shin dự kiến việc thiết kế và xây dựng cần 3 năm kể từ khi được duyệt.
Mô hình Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc
Nguồn: Vnexpress
Các bài viết khác
- • 2.000 DN sẵn sàng thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia
- • Xử lý nghiêm vi phạm về bảo vệ môi trường
- • Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2015
- • Đại hội Đảng Bộ Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhiệm kỳ 2015-2020
- • VNNIC tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì
- • Ủy quyền một số nội dung về lao động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- • Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư
- • Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc (Hà Nội)
- • Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao
- • Thông báo mời chào hàng