Đề xuất vay hơn 4.000 tỷ đồng xây trường Đại học để đào tạo “tinh hoa”

07:41 - 05/12/2019

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa có đề xuất gây chú ý khi trình Thủ tướng cho vay 4.274 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản để xây dựng Trường đại học Việt Nhật theo phong cách Nhật Bản với triết lý giáo dục khai phóng và và phát triển bền vững…
 
Đề xuất vay hơn 4.000 tỷ đồng xây trường Đại học để đào tạo “tinh hoa”
Xây trường đào tạo “tinh hoa”

Theo đề xuất của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN), trường Đại học Việt Nhật (ĐHVN) dự kiến được xây dựng tại Hòa Lạc với tổng mức đầu tư 4.274 tỷ đồng, tương đương khoảng 181,5 triệu USD. Trong đó, vốn vay ODA Nhật Bản khoảng 3.600 tỷ đồng, 674 tỷ đồng còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam.

Cơ sở của trường ĐHVN ở Hòa lạc dự kiến sẽ được xây dựng theo phong cách Nhật Bản với triết lý giáo dục là mang phong cách khai phóng và phát triển bền vững.  Theo ĐHQG, đây là các triết lý cần thiết cho sự phát triển bền vững cho Việt Nam trong giai đoạn tới và ngày càng nhiều đại học ở Châu Á áp dụng triết lý giáo dục này.

 Cũng theo ĐHQG, mục tiêu của trường ĐHVN tập trung vào các ngành lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu là mũi nhọn cho sự phát triển của đất nước trong tương lai nên quy mô nhỏ và tập trung chất lượng cao, không phải các ngành theo xu thế thị trường với quy mô lớn.

“Với đặc điểm chất lượng cao, quy mô đào tạo nhỏ, chi phí đào tạo thực tế theo tiêu chuẩn chất lượng cao (đào tạo tinh hoa) trong điều kiện mặt bằng thu nhập ở Việt Nam còn thấp khó có thể thu hút người học với mức học phí bù đắp chi phí đào tạo, cần thiết có sự hỗ trợ của Chính phủ”- ĐHQGHN nêu trong tờ trình gửi các cơ quan trung ương.

Để hiện thực hóa ý tưởng, ĐHQGHN cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về cơ chế tài chính đặc thù cho trường ĐHVN, và đề xuất NSNN đảm bảo hỗ trợ 60% kinh phí hoạt động thường xuyên của năm 2020 và 50% cho giai đoạn 2021-2023 và 40% cho giai đoạn 2024-2028.  Dự án cũng được ĐHQGHN đề xuất NSNN bố trí toàn bộ phần vốn đối ứng 28,63 triệu USD, ĐHQGHN chỉ tự bố trí phần vốn đối ứng 0,43 triệu USD để trả lãi vay trong quá trình xây dựng.

Ngoài ra, đáng chú ý, theo đề xuất của ĐHQGHN, với tổng mức đầu tư 181,5 triệu USD trên diện tích 74,4 ha, thì suất đầu tư trên một sinh viên của dự án là khoảng hơn 712 triệu đồng, cao hơn gấp 5,7 lần so với suất đầu tư trường đại học có quy mô trên 5000 sinh viên theo quy định hiện hành (124,8 triệu đồng/sinh viên.

Nhiều đề xuất không có trong quy định

Đưa ra ý kiến phản hồi cho đề xuất của ĐHQGHN, Bộ Tài chính cho rằng, quy mô dự án là khá lớn, với suất đầu tư cao hơn gấp 5,7 lần là vượt quá quy định. Theo Bộ này, suất đầu tư thực tế của dự án có thể còn cao hơn do Trường ĐHVN được xây dựng trên quy mô diện tích rất lớn (gần 75 ha); Dự án có một số hạng mục như khu nhà thí nghiệm có chi phí khá cao tuy nhiên chưa rõ là thí nghiệm đối với ngành nghề đào tạo nào. Ngoài các hoạt động đầu tư chính, dự án còn dự kiến thực hiện ợp phần đền bù GPMB bằng sử dụng nguồn vốn đối ứng với tổng chí phí khoảng 4,9 triệu USD.

Cũng theo Bộ Tài chính, ĐHQGHN đề xuất giao nhiều quyền tự chủ cho trường ĐHVN, bao gồm về tự chủ về hoạt động đào tạo, tự quyết định mức thu học phí, tự xác định chi phí đào tạo, cán bộ là người Việt Nam được hưởng thêm một lần lương hiện hưởng, cán bộ là người nước ngoài được hưởng lương theo cam kết của Chính phủ, ĐHQGHN, hoặc trường ĐHVN…Nhưng lại đề xuất NSNN đảm bảo hỗ trợ từ 40-60% từ 2019-2028 là chưa phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước về chế độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Về đề xuất Nhà nước bố trí toàn bộ phần vốn đối ứng, ĐHQGHN chỉ đối ứng để trả lãi vay trong quá trình xây dựng, Bộ Tài chính khẳng định đề xuất này là chưa phù hợp với quy định hiện hành.

Trong khi đó, Bộ KH&ĐT cho hay, tại thời điểm hiện tại chưa đủ căn cứ để đánh giá tác động nợ công của khoản vay trong giai đoạn 2021-2025. Nhưng với lãi suất 0,95%/năm, thời gian vay 30 năm trong đó có ân hạn 10 năm, thành tố ưu đãi của khoản vay của dự án đạt khoảng 23,26%, chưa đạt tiêu chuẩn khoản vay ODA không ràng buộc.

Trong đề xuất của ĐHQGHN, theo kế hoạch tài chính đến năm 2040, mức thu từ nguồn học phí của trường ĐHVN đạt khoảng 33,8 triệu USD (chiếm 92% tổng số cân đối thu chi của trường), với quy mô sinh viên là 6000 sinh viên. Theo Bộ KH&ĐT, đề xuất của ĐHQGHN chưa dự kiến được doanh thu của ĐHVN từ nguồn thu học phí tăng đều hàng năm, trong đó có xét đến yếu tố mức học phí phù hợp với từng cấp đào tạo và khả năng thu hút học viên của trường trong tương lai. 

Bộ quản lý Nhà nước về đầu tư thừa nhận rằng, dự án xây dựng trường ĐHVN một số vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau giữa các cơ quan chỉ có thể xem xét triệt để tại khâu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Vì thế bộ này đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính trình Thủ tướng xem xét, quyết định cơ chế tài chính trong nước đối với khoản vay theo đúng quy định tại Luật quản lý nợ công và các quy định liên quan. Đồng thời giao ĐHQGHN lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trong đó cần rà soát kỹ các hạng mục đầu tư, thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng về việc sử dụng vốn vay ODA và vốn ưu đãi nước ngoài cho chỉ đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.     

Nguồn: https://baophapluat.vn/

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266