Thủ tướng: Mong kỳ tích mới trong quan hệ hợp tác Hàn-Việt
Sáng 28/11, dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại Seoul, nhắc đến “kỳ tích sông Hàn” vĩ đại, Thủ tướng bày tỏ mong muốn Chính phủ, các nhà đầu tư Hàn Quốc có một kỳ tích mới trong quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Mở đầu Diễn đàn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Chiến lược Hàn Quốc Nam Ki Hong cho rằng, quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ hai nước sẽ lan tỏa ra khu vực kinh tế tư nhân. Để đối phó với các thách thức toàn cầu, “chúng ta cần phải trở thành đối tác tin cậy, vững chắc của nhau, đưa hợp tác lên tầm cao mới”. Đối với Hàn Quốc, Việt Nam là trọng tâm trong chính sách Hướng Nam mới và Chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng đưa mục tiêu này thành hiện thực. Phó Thủ tướng Hàn Quốc cho rằng, đây là thời điểm tốt khi mà khát vọng tăng cường hợp tác đang ở mức độ cao nên các doanh nghiệp không nên bỏ lỡ cơ hội này. Phó Thủ tướng dẫn một câu nói mà ông biết được khi dự một hội nghị tại Việt Nam rằng, nếu bông hoa có hương thơm thì sẽ lan tỏa 40 km còn tình cảm tốt đẹp thì sẽ là 4.000 km trong khi khoảng cách giữa Đà Nẵng và Hàn Quốc là 3.000 km, giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Hàn Quốc là 3.600 km. Theo ông, câu nói này cho thấy tình bạn thắm thiết giữa hai nước. “Trong tương lai, nếu chúng ta gìn giữ được mối quan hệ tốt đẹp thì không khó khăn nào chúng ta không giải quyết được”.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, ông được biết dự kiến ban đầu Diễn đàn có khoảng 500 người dự nhưng thực tế lên đến hơn 700 người, điều này thể hiện sự quan tâm rất lới của doanh nghiệp hai nước. Khoảng 27 năm trước, khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương vào khoảng 500 triệu USD nhưng đến năm 2019, đạt gần 70 tỷ USD. Khi đó, đầu tư chưa có gì đáng kể thì bây giờ, Hàn Quốc là nhà đầu tư số 1 vào Việt Nam với gần 9.000 dự án có tổng vốn khoảng 65 tỷ USD. Thực sự, đó là một kỳ tích mà trong suốt thời gian qua, lãnh đạo hai nước đã kiên trì thúc đẩy. Không chỉ thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân cũng có bước phát triển mới. Hiện một tháng, có khoảng 2.000 chuyến bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Và trong năm 2019, có khoảng 5 triệu lượt khách du lịch Việt Nam và Hàn Quốc sang thăm lẫn nhau.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Vì sao chúng ta có thành công bước đầu quan trọng như vậy? Theo Thủ tướng, đó là Việt Nam, Hàn Quốc có nhiều nét văn hóa tương đồng, nhờ đó, đã góp phần tạo nên những trái ngọt, những quả lành trong kinh tế, đầu tư và thương mại giữa hai nước. Nhắc lại câu chuyện vào năm 1226, Hoàng tử Lý Long Tường của Việt Nam đã đặt chân đến bán đảo Triều Tiên, đặt nền móng cho sự bang giao giữa hai dân tộc, Thủ tướng cho rằng, lịch sử quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã khơi nguồn từ khoảng 800 năm về trước. Người Việt Nam và Hàn Quốc đều đón Tết vào mùa xuân với nghi lễ hướng về gia tiên, gia tộc; đều coi trọng văn hóa gia đình và truyền thống lễ nghĩa; đều dùng đũa ăn cơm trong bát...
Hãy để những nét tương đồng đó trở thành sức mạnh cộng hưởng, củng cố niềm tin cậy, tình bằng hữu cho mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ, người dân và doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng nói. Nhắc đến tình cảm nồng nhiệt của nhân dân hai nước dành cho HLV Park Hang-seo và đội tuyển bóng đá Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ủng hộ, tạo mọi điều kiện để Hàn Quốc triển khai thành công chính sách Hướng Nam mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cấp cao hai nước chứng kiến hai bên trao các bản ghi nhớ hợp tác, giấy chứng nhận đầu tư - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Giới thiệu về tình hình, môi trường vĩ mô Việt Nam, Thủ tướng cho biết, kinh tế luôn tăng trưởng ở mức khá cao, ổn định. Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào thị trường được củng cố mạnh mẽ. Làn sóng khởi nghiệp trong nước như bùng nổ. Dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, là minh chứng cho thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, đầy tiềm năng.
Việt Nam được dự báo sẽ tạo ra bứt phá trong cuộc đua phát triển kinh tế số so với các quốc gia còn lại trong khu vực và “chúng tôi muốn hợp tác với các bạn, các hãng công nghệ của Hàn Quốc về vấn đề này”, Thủ tướng nhấn mạnh. Nhân dịp này, Thủ tướng giới thiệu một số ngành, lĩnh vực tiềm năng mà Việt Nam thúc đẩy trong thời gian tới như công nghiệp, chế biến, công nghiệp phụ trợ, nhất là cơ khí; năng lượng, bao gồm điện khí và năng lượng tái tạo; tài chính; giáo dục, y tế tiên tiến, phấn đấu có một số trung tâm y tế tiên tiến Việt Nam-Hàn Quốc hàng đầu ASEAN đặt tại Việt Nam. Lĩnh vực nữa là dịch vụ vận tải, hậu cầu, logistic và dịch vụ đóng tàu.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng đã chứng kiến hai bên trao các bản ghi nhớ hợp tác, giấy chứng nhận đầu tư với 33 dự án có tổng số vốn 19,5 tỷ USD.
Nguồn: www.chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • Đề xuất bổ sung 4 ngành, nghề ưu đãi đầu tư
- • Thúc đẩy hợp tác phát triển ASEAN - Hàn Quốc: cơ hội cho đổi mới sáng tạo và công nghệ công nghiệp
- • Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam thăm, làm việc tại Khu CNC Hòa Lạc
- • Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm, làm việc tại Khu CNC Hòa Lạc và dự lễ khánh thành Nhà máy Vinsmart
- • Họp báo Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ
- • Thư mời tham dự Hội thảo “Xu hướng ứng dụng công nghệ sinh học và phát triển sản phẩm trong nông nghiệp, y-dược”
- • Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2020
- • Hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ XI Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và quán triệt một số văn bản mới của Đảng
- • Hà Nội nghiên cứu phát triển đô thị đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050
- • Khu CNC Hòa Lạc: Bổ nhiệm Quyền Giám đốc Ban Khoa học và Công nghệ