Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xây dựng

23:55 - 04/07/2019

Nhiều nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến rộng rãi của các bộ ban ngành, địa phương, các chuyên gia, và doanh nghiệp có liên quan dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, tháng 10/2019 và trình thông qua tại kỳ họp thứ 9, tháng 5/2020.

Rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép xây dựng

Theo Bộ Xây dựng, quan điểm sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Theo đó, sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động đầu tư xây dựng, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng cũng nhằm tăng cường sự quản lý thống nhất của trung ương đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, bảo đảm công khai minh bạch trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Dự thảo đề xuất sửa đổi 46/168 điều của Luật Xây dựng. Các nội dung chủ yếu của dự thảo Luật sửa đổi theo các nhóm vấn đề: Cụ thể là hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật liên quan  như pháp luật về quy hoạch, kiến trúc, đầu tư công, quảng cáo, an toàn vệ sinh lao động...

Cùng với đó là, cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Mục tiêu nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động đầu tư xây dựng với việc đơn giản hoá, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng và tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý.

Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xây dựng. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Cụ thể, phân tách trách nhiệm thẩm định của người quyết định đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong công tác thẩm định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; phân tách trách nhiệm thẩm định của chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong công tác thẩm định thiết kế xây dựng; đơn giản hóa thủ tục hành chính với tích hợp công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng.

Điểm nhấn của dự thảo Luật là đề xuất việc đơn giản hóa hồ sơ cấp phép xây dựng; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày; mở rộng đối tượng được cấp phép theo giai đoạn và phân cấp việc cấp phép cho chính quyền địa phương…

Sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức tổ chức quản lý dự án theo hướng tăng quyền chủ động cho người quyết định đầu tư, giảm đối tượng dự án bắt buộc phải quản lý dự án theo hình thức Ban quản lý chuyên ngành, khu vực… Đặc biệt dự thảo tập trung sửa đổi một số vướng mắc, bất cập thực tế trong quá trình triển khai thực hiện

Phân cấp, giao quyền không tách rời quản lý nhà nước

Lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, các nhà quản lý, chuyên gia và đại biểu đánh giá cao những nội dung được đề xuất tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều Luật Xây dựng 2014, đặc biệt là những sửa đổi nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường sự quản lý thống nhất của Trung ương đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư xây dựng; tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.

Đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NN&PTNT ủng hộ phân cấp, giảm tải và giảm thủ tục hành chính để có thời gian xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ quản lý nhà nước.

Đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông Vận tải  đề xuất chủ đầu tư thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án, cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ nên kiểm tra, rà soát.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi bổ sung lần này cần đưa vào nội dung các quy định của Luật nhằm ngăn chặn đẩy lùi nạn tham nhũng, lợi ích nhóm gây thất thoát lãng phí.

Ông Hùng cũng đề xuất sửa đổi một số nội dung liên quan đến phân cấp thẩm định dự án đầu tư; phân cấp cho địa phương và chủ đầu tư, đặc biệt là dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước. “Tuy nhiên việc phân cấp không thể tách rời quản lý nhà nước”, ông Hùng nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Chủng cho biết, ông ủng hộ việc quản lý của Nhà nước phải thông qua cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định dự án thông qua thẩm định thiết kế cơ sở, để kiểm soát đầu vào của mọi dự án bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng và các yêu cầu về an ninh quốc gia, đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững, an toàn cộng đồng, an toàn sinh mạng và đảm bảo người khuyết tật được tiếp cận.

“Nếu để cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư (đối với các dự án vốn tư nhân), thì các yêu cầu này khó kiểm soát” PGS.TS Trần Chủng nêu ý kiến.

PGS.TS Trần Chủng đề xuất cần quy định cơ chế và quy trình phối hợp giữa các cơ quan trong việc lập thẩm định dự án đầu tư xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng chủ trì hiệp thương với các bộ có liên quan thiết lập trình tự thống nhất và hướng dẫn trong các Thông tư để địa phương áp dụng.

Làm rõ trách nhiệm của các bên

Một số chuyên gia cho rằng cần làm rõ hơn một số khái niệm  như: Cơ quan chuyên môn về xây dựng, dự án đặc thù, dự án quy mô nhỏ, vốn nhà nước ngoài ngân sách, một số nội dung về bảo hiểm công trình xây dựng, chú trọng tăng cường vai trò nhà thầu cũng như có những quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm quản lý của Nhà nước về xây dựng, trách nhiệm của chủ đầu tư liên quan đến xây dựng

Ông Tạ Chí Nhân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ nêu ý kiến, ở nhiều địa phương, mặc dù chính quyền đã ban hành kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhưng chủ đầu tư không thực hiện; việc này đã ảnh hưởng đến quyền lợi người mua đất của dự án.

Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi cũng cần làm rõ trách nhiệm cụ thể của các chủ thể trong thiết kế xây dựng, thi công gói thầu, ký hợp đồng thuê tư vấn… một cách công bằng hơn.

Còn theo đại diện Sở Xây dựng TPHCM, dự thảo luật cần phân loại dự án đầu tư từ các nguồn vốn khác nhau để quản lý dự án cho phù hợp.Về vấn đề thẩm định thiết kế cơ sở nên theo hướng tích hợp; trong đó, có hướng dẫn xác định công trình quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến sự an toàn thi công.

Trong khi đó, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai bày tỏ băn khoăn việc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ miễn giấy phép xây dựng nhưng ở quy định khác trong dự thảo luật lại quy định khi khởi công phải thông báo đến cơ quan địa phương. Như vậy, sẽ gây lúng túng cho cơ quan quản lý nhà nước

Về phía đại diện các doanh nghiệp, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực (EVN) cho rằng, dự thảo đã mở rộng phạm vi các dự án đầu tư xây dựng có thể phân chia thành các dự án thành phần hoặc phân kỳ đầu tư theo Luật xây dựng từ các “Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A” thành “Dự án đầu tư xây dựng” nói chung (Tại khoản 9 điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 2, điều 50).

Tuy nhiên, việc cho phép tất cả các dự án đầu tư xây dựng được phân chia thành các dự án thành phần trong khi chưa có quy định cụ thể về tiêu chí cụ thể để xác định các dự án được phép phân chia và cách thức phân chia sẽ dẫn đến việc chia nhỏ các dự án đầu tư xây dựng, gây khó khăn trong công tác quản lý dự án, theo dõi, quản lý hợp đồng xây dựng và các vấn đề khác phát sinh trong quá trình quản lý dự án.

Đại diện EVN kiến nghị giữ nguyên quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật xây dựng, theo đó, việc phân chia dự án thành các dự án thành phần chỉ thực hiện đối với các dự án nhóm A, dự án quan trọng quốc gia.

Hiện, Bộ Xây dựng đang khẩn trương tổng hợp toàn bộ các ý kiến, nghiên cứu và tiếp thu đưa vào Dự thảo Luật một cách hài hòa, hợp lý nhất. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời đăng tải dự thảo Luật trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ Xây dựng cũng như gửi trực tiếp bản dự thảo Luật đến các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị để lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân trước khi hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội cho ý kiến.

Nguồn: chinhphu.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266