Quốc hội thông qua Luật Kiến trúc
Luật Kiến trúc được Quốc hội thông qua vào chiều 13/6 với 88,64% đại biểu tán thành. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Kết quả biểu quyết của ĐBQH thông qua Luật Kiến trúc. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Ngày 21/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Kiến trúc. Ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về cơ bản đều tán thành với Báo cáo số 391/UBTVQH14 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật Kiến trúc mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình Quốc hội và có thêm một số ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật.
Sau phiên thảo luận tại hội trường, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật.
Luật Kiến trúc được thông qua có 5 chương với 41 điều quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ Việt Nam.
Luật quy định nguyên tắc hoạt động kiến trúc gồm: Tuân thủ Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới; xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Về điều kiện hành nghề kiến trúc, Luật quy định gồm: Cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc, cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc, kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân phải có chứng chỉ hành nghề kiến trúc, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Luật này.
Cá nhân không có chứng chỉ hành nghề kiến trúc được tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân...
Luật quy định nội dung quản lý Nhà nước về kiến trúc gồm: Ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về kiến trúc. Xây dựng, tổ chức thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch trong hoạt động kiến trúc; tổ chức, thống nhất quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn; quản lý hành nghề kiến trúc; cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc; quản lý thông tin, lưu trữ tài liệu trong hoạt động kiến trúc; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc; tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động kiến trúc; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến trúc; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động kiến trúc...
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc theo quy định của Luật gồm: Cản trở hoạt động quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Lợi dụng hành nghề kiến trúc gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia; lợi ích quốc gia; lợi ích dân tộc; trật tự xã hội; môi trường sống; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đưa, nhận hối lộ, thực hiện hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật trong hoạt động kiến trúc; tiết lộ tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước; tiết lộ thông tin kinh doanh do khách hàng cung cấp, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; xây dựng công trình kiến trúc không đúng với thiết kế kiến trúc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kiến trúc…
Luật cũng quy định, ngày 27/4 hằng năm là Ngày Kiến trúc Việt Nam.
Nguồn: chinhphu.vn
Các bài viết khác
- • Hội thảo về hoạt động giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng quy định tại Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ
- • Chuyên gia chia sẻ về khám phá vũ trụ và thương mại hóa không gian
- • Đoàn chuyên gia JICA khảo sát mức độ sẵn sàng cho Cách mạng Công nghiệp 4.0
- • Trải nghiệm Trung tâm đổi mới sáng tạo về IoT tại Khu CNC Hòa Lạc
- • Bổ nhiệm Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- • Bộ KH&CN trao quyết định điều động, bổ nhiệm lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ
- • Vốn FDI 5 tháng đạt gần 17 tỷ USD, lập đỉnh mới
- • Thiết lập quan hệ hợp tác với đối tác Thổ Nhĩ Kỳ
- • Một dự án chỉ lập 1 báo cáo đánh giá tác động môi trường
- • Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam