Đề nghị sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường
Ảnh minh họa |
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) hiện hành đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, thay thế Luật BVMT 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác BVMT. Nhận thức về trách nhiệm và hành động trong BVMT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội (theo khảo sát của PAPI có 73,70 số người được hỏi ủng hộ quan điểm đặt yêu cầu BVMT song hành với phát triển kinh tế). Phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường đã có sự thay đổi từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường và xu thế tăng mạnh về ô nhiễm môi trường trước đây đang được kiềm chế, giảm dần. Nền kinh tế có bước phát triển bền vững hơn, thân thiện hơn với môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi cho thấy Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những thách thức mới đặt ra đối với công tác BVMT. Cụ thể, cơ chế, chính sách BVMT chưa phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Các loại thuế, phí về môi trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” để xử lý, khắc phục, cải tạo và phục hồi môi trường, “người hưởng lợi từ giá trị môi trường phải trả tiền” chưa phát huy được vai trò là công cụ kinh tế điều tiết vĩ mô, hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh. Các quy định của Luật chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích sản xuất, tiêu thụ bền vững, phát triển dịch vụ môi trường, sản phẩm, hàng hoá thân thiện với môi trường, khuyến khích xã hội hóa trong một số hoạt động BVMT.
Các thủ tục hành chính về môi trường còn có sự phân tán, thiếu liên thông, tích hợp dẫn đến việc cùng một dự án, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục hành chính mang tính cho phép về môi trường của nhiều bên, nhiều cơ quan nhà nước (Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, Giấy phép xả thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi, Giấy phép xả khí thải, Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, đăng ký chủ nguồn thải...). Do vậy, cần thiết phải có sự đẩy mạnh cải cách hành chính và hợp nhất, liên thông các thủ tục hành chính về môi trường trong Luật BVMT nhằm thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ.
Bên cạnh đó, một số vấn đề mới phát sinh về BVMT chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh: Thực tế trong thời gian qua cho thấy phát sinh nhiều sự cố ô nhiễm, suy thoái môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng, bùng phát các điểm nóng về môi trường do xả thải. Tuy vậy, hiện nay chưa có cơ sở pháp lý về cơ chế, các tiêu chí sàng lọc, phân loại, phân luồng các dự án đầu tư theo mức độ rủi ro về môi trường; cơ chế kiểm soát đặc thù đối với các đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường. Do đó, cần bổ sung các quy định về sàng lọc, phân loại, phân luồng dự án đầu tư, cơ chế đặc thù tăng cường kiểm soát đối với các đối tượng này để giải quyết thực tiễn quản lý môi trường đang đặt ra bức thiết hiện nay...
Thêm vào đó, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ tác động mọi mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, tạo ra xu thế mới trong quản lý môi trường và phát triển bền vững, trong đó việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang trở thành xu thế chủ đạo trên phạm vi toàn cầu; nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về BVMT được ban hành, cần được thể chế hóa kịp thời.
Từ thực tiễn thi hành Luật và để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước về BVMT, xây dựng hệ thống chính sách BVMT đồng bộ, thống nhất, sát với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế, cần thiết phải triển khai nghiên cứu, sửa đổi Luật BVMT hiện hành.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Các bài viết khác
- • Việt Nam có trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới
- • Thư mời tham dự Hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, hướng đi của các Tập đoàn”
- • Mô hình ĐH Việt-Pháp góp phần thúc đẩy tự chủ ĐH
- • Đề xuất mới về khai thuế, tính thuế
- • Trường ĐH FPT Hà Nội đạt chuẩn quốc tế ACBSP ngành Quản trị Kinh doanh
- • Đề xuất vay hơn 4.000 tỷ đồng xây trường Đại học để đào tạo “tinh hoa”
- • Hợp tác song phương toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc
- • Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ KH&CN và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
- • Thủ tướng: Mong kỳ tích mới trong quan hệ hợp tác Hàn-Việt
- • Đề xuất bổ sung 4 ngành, nghề ưu đãi đầu tư