Công văn 5122/BKHĐT-PC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư
1. Xử lý hồ sơ dự án đầu tư tiếp nhận trước ngày Luật có hiệu lực thi hành:
Tại mục 8 công văn số 4366/BKHĐT-PC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn việc giải quyết hồ sơ dự án đầu tư tiếp nhận trước ngày 1/7/2015. Trên cơ sở báo cáo và kiến nghị của một số địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thực hiện như sau:
a) Đối với hồ sơ dự án đầu tư đã đáp ứng đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Nghị định 108/2006/NĐ-CP, Cơ quan đăng ký đầu tư căn cứ hồ sơ dự án đầu tư đã tiếp nhận để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư theo quy định của Luật đầu tư 2014 trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản về việc nhà đầu tư đồng ý cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật đầu tư 2014. Trong trường hợp này, Cơ quan đăng ký đầu tư không yêu cầu lập hồ sơ dự án đầu tư hoặc sửa đổi, bổ sung theo quy định của Luật đầu tư 2014.
b) Trường hợp hồ sơ dự án đầu tư chưa hợp lệ và/hoặc chưa đáp ứng điều kiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Nghị định 108/2006/NĐ-CP, Cơ quan đăng ký đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư lập, bổ sung hồ sơ theo quy định của Luật đầu tư 2014.
2. Về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc trường hợp quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật đầu tư 2014.
a) Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ dự án đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 37 Luật đầu tư 2014.
b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 37 Luật đầu tư 2014 nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Hồ sơ dự án đầu tư hợp lệ theo quy định tại điểm a, Khoản 2 Điều 37 Luật đầu tư 2014;
- Mục tiêu của dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật đầu tư 2014;
- Đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài (nếu có) theo hướng dẫn tại Điểm c dưới đây.
c) Điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài (điều kiện gia nhập thị trường) là điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng tại thời điểm thành lập tổ chức kinh tế, thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua lại phần vốn góp, cổ phần của tổ chức kinh tế.
Cơ quan đăng ký đầu tư căn cứ điều kiện đầu tư theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (bao gồm Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam trong WTO, các Hiệp định đầu tư song phương và khu vực) để xem xét cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư 2014.
Đối với ngành, nghề mà Việt Nam chưa cam kết hoặc ngành, nghề dịch vụ không quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam trong WTO, Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi xem xét, quyết định.
3. Thủ tục điều chỉnh Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh):
a) Trường hợp chỉ yêu cầu thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện thủ tục tại Cơ quan đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh thực hiện theo quy định tương ứng của Luật doanh nghiệp 2014.
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thay thế nội dung đăng ký kinh doanh tại Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Nội dung đăng ký kinh doanh tại quy định Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hết hiệu lực kể từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; nội dung dự án đầu tư tại Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) tiếp tục có hiệu lực.
Trường hợp doanh nghiệp có yêu cầu thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh do nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật đầu tư 2014, nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định tại Điều 26 Luật đầu tư 2014 trước khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
b) Trường hợp chỉ yêu cầu điều chỉnh nội dung dự án đầu tư, doanh nghiệp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Cơ quan đăng ký đầu tư. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện theo quy định của Luật đầu tư 2014 tương ứng với nội dung điều chỉnh.
Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp thay thế cho nội dung dự án đầu tư trong Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Nội dung đăng ký kinh doanh tại Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) tiếp tục có hiệu lực.
c) Trường hợp có yêu cầu điều chỉnh cả nội dung đăng ký kinh doanh và nội dung dự án đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh nội dung đăng ký kinh doanh tại Cơ quan đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; sau đó điều chỉnh nội dung dự án đầu tư tại Cơ quan đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tương ứng nêu tại Điểm a và b Mục này.
d) Trường hợp có yêu cầu đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay cho Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh), nhà đầu tư thực hiện thủ tục đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh, sau đó đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Cơ quan đăng ký đầu tư.
Hồ sơ đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gồm văn bản đề nghị đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bản sao Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) và Giấy chứng nhận đăng ký thuế.
Hồ sơ đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm văn bản đề nghị đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đã cấp theo Điểm này) và Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).
Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan đăng ký đầu tư đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quy định lại nội dung đăng ký kinh doanh đang có hiệu lực tại Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh); Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định lại nội dung dự án đầu tư đang có hiệu lực tại Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).
4. Về thủ tục thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quyền lập chi nhánh, văn phòng đại diện ngoài trụ sở chính tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định tại Điều 46 Luật doanh nghiệp 2014.
Việc thành lập chi nhánh không nhất thiết phải có dự án đầu tư và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật đầu tư 2014.
Hồ sơ, trình tự và thủ tục đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện theo quy định tương ứng của Luật doanh nghiệp 2014.
5. Bổ sung ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
a) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được điều chỉnh hoặc bổ sung ngành, nghề kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh mà không nhất thiết phải có dự án đầu tư.
b) Việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài (nếu có) theo hướng dẫn tại Điểm c Mục 2 của công văn này.
6. Những vấn đề khác
a) Cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ, chi tiết cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh theo đúng quy định của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp 2014.
Trong trường hợp hồ sơ phải điều chỉnh, bổ sung, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký đầu tư hướng dẫn cụ thể, rõ ràng các nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
b) Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được định giá theo quy định tại Điều 37 Luật doanh nghiệp 2014. Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu doanh nghiệp nộp văn bản định giá trái với quy định tại Điều này.
Thông tin chi tiết, đề nghị xem tại đây.
Nguồn: Fia.mpi.gov.vn
Các bài viết khác
- • Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực phụ trợ thăm Khu CNC Hòa Lạc
- • Xét chọn 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2015
- • Cấp giấy phép cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
- • Hướng dẫn thủ tục tiếp nhận và biểu mẫu thực hiện hoạt động đầu tư theo Luật Đầu tư 2014
- • Công văn 4366/BKHĐT-PC ngày 30/6/2015 về việc triển khai thi hành Luật Đầu tư
- • Công nghiệp vũ trụ Việt Nam: Những thành công đầu tiên và hy vọng
- • So tài tranh biện cùng sinh viên thủ đô
- • Chủ tịch Khu Công nghệ Busan, Hàn Quốc thăm Khu CNC Hòa Lạc
- • Hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp
- • Ba yêu cầu của Thủ tướng về Khu CNC Hòa Lạc