Tạo công nghệ nguồn, công nghệ gốc cho Việt Nam
Do nguồn nhân lực công nghệ cao đang thiếu hụt nghiêm trọng, vì thế cần tập trung vào việc tạo công nghệ nguồn, công nghệ gốc cho Việt Nam...
TS. Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) kiêm Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc cho biết, hiện cơ sở hạ tầng trong Khu CNC Hòa Lạc đang ngày càng hoàn thiện. Theo kế hoạch, hạ tầng kỹ thuật của toàn bộ Khu CNC Hòa Lạc sẽ hoàn thiện vào năm 2015 và đây sẽ là khu công nghệ cao hiện đại bậc nhất Việt Nam cũng như trong khu vực.
Bắt đầu ươm tạo
Dự kiến đến năm 2020, tổng số người sinh sống và làm việc trong Khu CNC Hòa Lạc khoảng 229.000 người, trong đó dân số thường trú là 99.300 người. Đây sẽ là một thành phố nằm trong chuỗi 5 thành phố vệ tinh của Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt.
Hiện nay, Khu CNC Hòa Lạc cũng đã thu hút được một số dự án, hình thành được các nhóm ươm tạo (trong và ngoài nước) đã và đang tạo ra các sản phẩm công nghệ có tính thương mại hóa cao.
Một ví dụ điển hình có thể kể tới đó là công TNHH Trí Tuệ Nhân Tạo (có nhiều sản phẩm với doanh thu trên 100 tỷ VNĐ/năm), hay các công ty về sinh học đã tạo ra các sản phẩm tụ huyết thanh ngựa phục vụ cho chăn nuôi. Nổi bật hơn là công ty Green (sau 3 năm ươm tạo) đã tạo ra một chuỗi các sản phẩm công nghệ xử lý nước hiện đại.
Có được kết quả trên, TS. Lạng khẳng định, tất cả là do đã có những hỗ trợ tích cực trong vấn đề đào tạo, xây dựng các văn phòng luật sư, các đại diện tổ chức sở hữu trí tuệ luôn có mặt tại chỗ giúp cho đơn vị trong các trường hợp cần thiết cũng như hỗ trợ về điều kiện pháp lý để tự nghiên cứu ra sản phẩm thương mại hóa. Hiện đã có 4 nhóm được vay từ Quỹ phát triển KH&CN của Bộ KH&CN, với mức vay cao nhất khoảng hơn 2 tỷ đồng, thấp nhất khoảng 8-9 trăm triệu đồng).
Theo TS. Nguyễn Văn Lạng, mặc dù bước đầu Khu CNC Hòa Lạc đã có được một số thành công nhất định, nhưng cái khó hiện nay là vẫn chưa có văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện việc ươm tạo. Để thực hiện, gần như đều dựa vào việc học tập kinh nghiệm từ khu CNC của nước ngoài…
Tạo công nghệ gốc cho Việt Nam
Trước thực trạng ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, sử dụng nguồn nhân lực của Việt Nam để sản xuất (chỉ tham gia vào các khâu như: gia công, lắp ráp hay kiểm định, bo mạch và cuối cùng bo mạch và xuất khẩu, tự đóng gói và xuất khẩu (như Intel, Samsung...) và không làm chủ được công nghệ.
Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để tạo ra công nghệ nguồn hay công nghệ gốc cho Việt Nam?
Theo TS. Lạng, để giải quyết tình trạng này, hiện Khu CNC Hòa Lạc đã và đang hình thành một loạt doanh nghiệp CNC (ví dụ như BKAV TOSY, NAICAOP...) với công nghệ do người Việt Nam làm chủ. Hay, thành lập các công ty chuyên khai thác các công nghệ của nước ngoài bằng cách mua và sau đó Việt hóa, giải mã và phát triển thành các sản phẩm công nghệ phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam.
Tuy nhiên, để làm được điều đó TS. Nguyễn Văn Lạng cho biết, khó khăn trước mắt cần giải quyết đó là cơ chế chính sách cho một khu CNC. Cơ chế ấy phải phù hợp với đặc thù phát triển công nghệ cao.
Một khó khăn nữa phải giải quyết đó là nguồn nhân lực của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. “Chúng ta không có nguồn nhân lực đáp ứng như cầu phát triển CNC bắt đầu từ các nhà nghiên cứu, các trường đại học và nguồn nhân lực trực tiếp cho các dự án”.
Một câu chuyện đáng để suy nghĩ khi một tập đoàn CNTT của Nhật Bản làm việc với lãnh đạo TP.HCM, phía đối tác ngỏ ý cần khoảng 200 lao động trong lĩnh vực thiết kế bo mạch điện tử, nhưng Việt Nam đã không thể đáp ứng được yêu cầu này.
Thực tế cho thấy, qua các lần sát hạch kỹ sư CNTT theo tiêu chuẩn Nhật Bản, tỉ lệ đạt là rất thấp, chỉ dưới 10%. Số liệu cũng cho thấy, các trường đại học trong cả nước cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực công nghệ thông tin trung bình 110.000 kỹ sư/năm, nhưng chỉ khoảng 10% sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.
“Mặc dù đã có nhiều ưu đãi nhưng với cơ chế như hiện tại, chúng ta khó có thể phát triển được các công nghệ gốc cho riêng mình” – TS. Lạng chia sẻ.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập theo Quyết định số 198/1998/QĐ- TTg ngày 12/10/1998, được xây dựng theo mô hình trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao. Hiện, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã cấp chứng nhận đầu tư cho 53 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 21.975,44 tỷ đồng trên diện tích 259,12 ha. Tính đến hết năm 2010, đã có 29 dự án khởi công xây dựng công trình, trong đó 17 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng doanh thu trong năm 2010 đạt 1.200 tỷ đồng. |
Nguồn: Báo điện tử Đất Việt
Các bài viết khác
- • Thẩm định Đồ án Quy hoạch 1/2000 Khu Công nghiệp Công nghệ cao II
- • Bổ sung vốn cho Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- • Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ
- • Từ 1/10, lương tối thiểu vùng tăng lên 1,4 triệu đến 2 triệu đồng/tháng
- • Các dự án đang dần hoàn thiện phần xây dựng
- • Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm, làm việc với Đại học KH&CN Hà Nội
- • Hội thảo Việt Nam – Nhật Bản về Cộng đồng thông minh (Smart Community)
- • Giáo sư Ngô Bảo Châu thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
- • Khóa đào tạo Kỹ sư Cầu nối
- • Tọa đàm trao đổi về tình hình xây dựng và phát triển các khu công nghệ cao của Việt Nam và các cơ chế chính sách phát triển khu công nghệ cao