Sản xuất xe máy điện thông minh, Việt Nam nên mua công nghệ

21:28 - 12/11/2018

Chiều 9/11, tại hội thảo về xu hướng và giải pháp công nghệ giao thông thông minh do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, nhiều ý kiến chuyên gia bàn về việc nên mua hay tự nghiên cứu công nghệ. Các ý kiến cũng phân tích làm thế nào để xe máy điện thông minh phát huy hết tính năng đúng như tên gọi của nó.

Vấn đề này được đặt ra trong bối cảnh VinFast vừa cho ra mắt dòng xe điện đầu tiên với tên gọi Klara. Dòng sản phẩm này được phát triển chủ yếu dựa trên công nghệ tiên tiến của Đức, tích hợp các kết nối Bluetooth, 3G và định vị GPS. 

Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, những thành tựu công nghệ mới đang được áp dụng nhiều trong giao thông. Các công nghệ mới này không chỉ lan tỏa ở các nước đang phát triển mà cả Việt Nam.

Phương tiện giao thông thông minh, trong đó có xe máy điện đang là xu hướng vì mang nhiều lợi ích cho người sử dụng như an toàn, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên việc chủ động nghiên cứu công nghệ hay đi mua cũng là câu chuyện cần bàn.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo. 

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo. 

Ths Nguyễn Minh Đồng, Chuyên gia về công nghệ và thị trường ô tô xe máy đến từ Đức cho rằng, phát triển các thiết bị thông minh, an toàn là cần thiết vì sử dụng xe máy điện đang là xu hướng hiện nay. Tuy nhiên ông Đồng cho rằng không thể chờ đợi nghiên cứu công nghệ trong nước.

Từng làm việc tại các hãng của Đức ông Đồng nêu dẫn chứng từ những năm 1970 Trung Quốc đã gửi học sinh đào tạo với mong muốn tự nghiên cứu công nghệ nhưng đến giờ vẫn chưa làm được. Vì vậy ông ủng hộ các doanh nghiệp Việt mua công nghệ.

"Nếu chờ Việt Nam tự nghiên cứu ra công nghệ rồi mới sản xuất thì sẽ mất rất nhiều thời gian, nguồn lực. Thay vào đó các cơ quan chức năng nên xây dựng các điều kiện cần thiết để thúc đẩy ứng dụng. Bộ Khoa học và Công nghệ nên đưa ra yêu cầu cho các hãng xe phải áp dụng các tiêu chuẩn giảm thiểu khí thải, lắp đặt hệ thống phanh ABS để chống trơn trượt, đảm bảo an toàn cho người sử dụng", ông Đồng nêu ý kiến.

Cũng nhắc câu chuyện VinFast sản xuất xe máy điện thông minh, PGS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng nếu phát triển công nghiệp sản xuất sẽ giúp nhiều sinh viên Việt có cơ hội thực tập và môi trường làm việc tốt hơn.

Theo PGS Tùng, hiện xe máy điện của VinFast đã thích hợp Bluetooth, 3G và định vị GPS, nếu kết nối lại sẽ có dữ liệu rất quý cho giao thông. Tuy nhiên tính năng thông minh phải gắn với cả hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu người sử dụng. 

PGS Tạ Hải Tùng phát biểu tại hội thảo. 

PGS Tạ Hải Tùng phát biểu tại hội thảo. 

PGS Tùng cho rằng, để xe thông minh cần có dữ liệu và kết nối. Vì thế các hãng xe phải làm như Apple chỉ sản xuất điện thoại, sau đó các ứng dụng sẽ được các nhà phát triển dựa trên hệ điều hành làm phong phú hệ sinh thái.

Ví dụ các ứng dụng xe thông minh có thể phát triển và gắn thiết bị lên mũ bảo hiểm, kính... để hướng dẫn cho người tham gia giao thông. "Khi có dữ liệu có thể phân tích, cung cấp thông tin trực tuyến, thông báo cho người dùng bằng giọng nói về lộ trình tối ưu hoặc chướng ngại vật cần tránh", TS Tùng gợi ý.

Tại hội thảo nhiều ý kiến đồng tình trong bối cảnh hiện nay việc mua công nghệ là phù hợp, từ đó Việt Nam dần phát triển và làm chủ công nghệ.

Để phát triển công nghiệp xe điện cần bốn công nghệ cơ bản là tích lũy điện, máy điện, máy đổi điện và kỹ thuật điều khiển. Nếu mở rộng cho cả ngành công nghiệp, khi ô tô điện, xe máy điện phát triển, điện trở thành nguồn năng lượng chính, lúc đó thị trường pin, động cơ điện và các máy đổi điện sẽ vô cùng quan trọng.

Giao thông thông minh là một phần của thành phố thông minh. Hiện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp cùng các viện, trường xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đô thị, giao thông thông minh. 

Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải cũng tham gia xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam về hệ thống giao thông thông minh trong đó có tiêu chuẩn về kiến trúc hệ thống giao thông thông minh (đã lấy ý kiến lần 4 và chuẩn bị được phê duyệt). Đây là một bộ tiêu chuẩn quan trọng, định hướng, xác định khung tổng thể các dịch vụ, ứng dụng hệ thống giao thông thông minh sẽ triển khai tại Việt Nam. 

Ở nhóm dịch vụ hỗ trợ lái xe an toàn đề cập tới việc trang bị các thiết bị tiên tiến, hiện đại, thông minh, tự động, có khả năng hỗ trợ lái xe xử lý các tình huống khó khăn, nguy hiểm trên đường. 

Các hệ thống con điển hình như hệ thống cung cấp thông tin cho lái xe, dẫn đường, cảnh báo nguy hiểm theo chiều ngang, dọc xe, cảnh báo nguy hiểm tại các nút giao, cảnh báo nguy hiểm từ xa, cảnh báo tình trạng mặt đường, cảnh báo tình trạng lái xe, hệ thống ABS, ổn định điện tử, hệ thống trợ phanh, phanh khẩn cấp, hệ thống thích ứng tốc độ thông minh, hệ thống chiếu sáng thông minh, chiếu sáng xuyên mưa, các hệ thống an toàn bị động (túi khí, dây đai an toàn,..), xe tự lái,... 

Các tiêu chuẩn cũng hướng tới kết nối, trao đổi thông tin giữa xe với xe, xe với người, xe với đường và hệ thống cơ sở hạ tầng khác. 

Nguồn: vnexpress.net

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266